COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/4: Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn 'nóng nhất' nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada, ngày 8/4/2022.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 498.318.349 ca, trong đó có 6.200.764 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 437 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 54 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 9/4, thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á - châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 185.000 ca), trong khi nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Không COVID”.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 82 triệu ca mắc, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 661.000 ca).

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 183,3 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,78 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 143,3 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97 triệu ca mắc và hơn 1,44 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,3 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, ngày 9/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước cho biết Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 25.164 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 1.350 ca có triệu chứng và 23.815 ca không triệu chứng.

Tính đến ngày 8/4, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 163.042 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong đến nay là 4.638 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại quốc gia châu Á này, Mỹ thông báo sẽ cho phép các nhân viên làm nhiệm vụ không thiết yếu rời khỏi lãnh sự quán ở thành phố Thượng Hải. Giới chức Washington cũng khuyến cáo người dân Mỹ cần cân nhắc lại việc đến Trung Quốc.

Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 200.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng trước. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết cả nước đã báo cáo 185.566 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.169.189 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng lên 19.092 ca sau khi có thêm 338 người không qua khỏi.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang xem xét dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội và cho phép người dân ra ngoài không đeo khẩu trang nếu tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát đến cuối tuần tới. Giới chức cũng thông báo những người nước ngoài cư trú lâu dài ở Hàn Quốc đã được xác nhận từng mắc COVID-19 sẽ không còn phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 khi họ nhập cảnh trở lại vào nước này.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 1.150 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 43.034.217 ca. Nước này cũng báo cáo thêm 83 ca tử vong vì COVID-19, nâng số người không qua khỏi lên 521.656 người. Ấn Độ thông báo trường hợp thứ hai nhiễm biến thể XE, là biến thể kết hợp của hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron. Ca nhiễm này được phát hiện ở bang miền Tây Gujarat.

Tại châu Đại dương, Australia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới COVID-19 và 24 ca tử vong, trong đó có 10 ca ở New South Wales, bang đông dân nhất nước này. Cơ quan Quản lý hàng hóa trị liệu (TGA) thông báo phê duyệt tạm thời việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer/BioNTech để tiêm nhắc lại cho thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi, khuyến cáo rằng những người trong độ tuổi trên nên tiêm nhắc lại 6 tháng sau mũi vaccine thứ hai.

Tại Trung Đông, Saudi Arabia sẽ cho phép khoảng 1 triệu người tham gia lễ hành hương Hajj trong năm nay, mở rộng đáng kể quy mô của sự kiện, tiếp nhận cả những người từ nước ngoài đến sau 2 năm áp dụng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch COVID-19.

Theo hãng thông tấn SPA, người được phép hành hương đến Thánh địa Mecca trong năm nay phải đáp ứng một số yêu cầu như dưới 65 tuổi và được tiêm phòng đủ các mũi cơ bản. Người đến từ nước ngoài phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 và phải tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn về y tế.

Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ cảnh báo trong vài tuần tới, số ca mắc tại Mỹ sẽ bắt đầu tăng trở lại và có khả năng tăng mạnh vào mùa Thu năm nay. Ông bày tỏ hy vọng với chương trình tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19, không có nhiều người phải nhập viện.

Theo ông Fauci, diễn biến dịch bệnh của Mỹ thường diễn ra theo sau nhiều nước khác như Anh. Điển hình là BA.2 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ sau Anh xác nhận "biến thể tàng hình" này chiếm số đông các ca mắc mới tại quốc gia châu Âu này.

Cùng chung quan điểm cho rằng dịch bệnh COVID-19 có khả năng lây lan mạnh vào mùa Thu năm nay, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng sẽ cần siết chặt lại các biện pháp phòng dịch vào mùa Thu này.

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Karl Lauterbach khẳng định chắc chắn sẽ có thêm làn sóng dịch vào mùa Thu năm nay. Theo ông, Chính phủ Đức có thể không có sự chuẩn bị tối ưu cho làn sóng dịch bệnh này. Ông khẳng định quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ có vai trò quan trọng bảo vệ người dân nước này trước làn sóng dịch bệnh mới trong bối cảnh còn khoảng cách tiêm chủng vaccine vẫn còn tồn tại.

Hà Anh (t.h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/covid-19-toi-6-gio-sang-104-so-ca-mac-benh-tiep-tuc-xu-the-giam-tren-pham-vi-toan-cau-103309.html