Chứng khoán trên thị trường Âu-Mỹ ghi nhận các mức kỷ lục mới

Chốt phiên giao dịch ngày 10/3, tại phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, lên 32.297,02 điểm khi Hạ viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: iStock)

Ảnh minh họa. (Ảnh: iStock)

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều ghi nhận các mức kỷ lục trong bối cảnh lạm phát của Mỹ chỉ tăng nhẹ và gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD cuối cùng đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/3, tại phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới khi Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden, cho phép hỗ trợ hàng tỷ USD cho các hộ gia đình và những lao động thất nghiệp Mỹ, cũng như hỗ trợ các nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 1,5% lên 32.297,02 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 cộng thêm 0,6% lên 3.898,81 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,1% xuống 13.068,83 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt cũng ghi nhận mức cao kỷ lục trong phiên thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên đóng cửa trên mức 14.500 điểm, với mức tăng 0,7% lên 14.540,25 điểm.

Chỉ số CAC 40 tại Paris thiết lập mức cao nhất trong một năm, gần mức kỷ lục đạt được trước đại dịch COVID-19, với mức tăng 1,1% lên 5.990,55 điểm, tuy nhiên chỉ số FTSE 100 của London giảm nhẹ 0,1% xuống 6.725,60 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,9% lên 3.819,92 điểm.

Triển vọng về gói kích thích kinh tế Mỹ đã giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, cùng với tốc độ triển khai vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, đà tăng trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay đã bị ảnh hưởng gần đây do những quan ngại về triển vọng lạm phát và lãi suất tăng.

Theo số liệu của Mỹ, giá năng lượng ngày càng tăng đã kéo lạm phát tiêu dùng nước này tăng 0,4% trong tháng 2/2021, tuy nhiên, lạm phát lõi, không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động, chỉ nhích nhẹ 0,1% so với tháng 1/2021.

Mối quan ngại về lạm phát sẽ buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải bắt đầu rút dần các chính sách siêu nới lỏng tiền tệ, trong đó có lãi suất ở mức thấp kỷ lục, vốn được xem là động lực chính thúc đẩy đà tăng cho chứng khoán trong năm qua. Điều này đã dẫn đến hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư trong tuần trước.

Trong khi đó, giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày 10/3 nhờ dự báo lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và sự sụt giảm mạnh trong lượng xăng dự trữ của Mỹ. Tuy vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng mạnh.

Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 38 cent Mỹ, hay 0,6%, lên 67,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 43 cent Mỹ, hay 0,7% và đóng phiên ở mức 64,44 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm 11,9 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 5,5 triệu thùng, mạnh hơn so với dự đoán giảm 3,5 triệu thùng mỗi loại mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.

Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này cũng được hỗ trợ khi OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi với mức tăng 5,6% trong năm nay và tăng 4% trong năm tới, cao hơn dự báo trước đó là 4,2% cho năm 2021.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào, khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng 13,8 triệu thùng, vượt xa dự đoán tăng 816.000 thùng, do cơn bão hồi giữa tháng 2 đã khiến hoạt động sản xuất dầu ở bang Texas bị đình trệ./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-tren-thi-truong-aumy-ghi-nhan-cac-muc-ky-luc-moi/698926.vnp