Chứng khoán toàn cầu nhuốm sắc đỏ

Ngày 22/1, thị trường chứng khoán toàn cầu ngập sắc đỏ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc-Mỹ lại làm dấy lên lo ngại và đà tăng ghi nhận được trong tháng Một đang mất dần.

Chứng khoán toàn cầu nhuốm sắc đỏ. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall, mà phần lớn giao dịch trong sắc xanh suốt bốn tuần qua sau những biến động trong tháng 12/2018, đã giảm hơn 1% giá trị trong phiên ngày 22/1. Cụ thể, tại New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2% xuống đóng phiên ở mức 24.404,48 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1,4% xuống 2.632,90 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,9% xuống 7.020,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đi xuống một phần do hoạt động bán ra chốt lời và lo ngại về tình hình kinh tế sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 21/1 hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Tại London (Anh), chỉ số FTSE 100 giảm 1% xuống 6.901,39 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hạ 0,4% xuống 11.090,11 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) cũng giảm 0,4% xuống 4.847,53 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,4% xuống 3.112,80 điểm.

Các thị trường khoán trên thế giới khởi đầu phiên giao dịch ảm đạm sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới, viện dẫn tương lai không đảm bảo do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và nhiều yếu tố khác. Trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế thế giới cập nhật so với cách đây 3 tháng, IMF hạ mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,5%, từ 3,7% hồi tháng 10/2018. Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2020 là 3,6%.

Thêm vào đó, hãng Bloomberg News cho biết Mỹ và Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận về vấn đề then chốt là quyền sở hữu trí tuệ. Chiều 22/1, tờ Financial Times và hãng truyền thông CNBC đều đưa tin Mỹ hủy cuộc họp trù bị dự kiến diễn ra tuần này tại Washington trước thềm cuộc đàm phán thương mại cấp cao với Trung Quốc dự kiến vào tuần tới. Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin này ngay trước khi các sàn chứng khoán kết thúc phiên giao dịch, giúp một vài chỉ số chứng khoán nhích điểm, song không đáng kể.

Theo chiến lược gia Sameer Samana thuộc Ngân hàng Wells Fargo, các chỉ số chứng khoán có thể sẽ sớm thử nghiệm lại mức thấp gần đây, tuy nhiên, một viễn cảnh như vậy vẫn có “khả năng thấp”.

Các nhà phân tích của Briefing.com nhận định các chỉ số chứng khoán giảm điểm ngày 22/1 cho thấy đà tăng trong tháng Một này đang mất dần, như vậy thị trường chứng khoán từ nay sẽ biến động theo những thông tin đáng chú ý như tăng trưởng yếu kém hoặc tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng dấy lên lo ngại về tác động khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc. Các nhà phân tích thuộc hãng Northern Trust nhận định những dấu hiệu gần đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, trong khi nguy cơ nền kinh tế này “hạ cánh cứng” đang gia tăng.

Ông cho rằng: "Nếu Trung Quốc quỵ xuống, tất cả chúng ta đều cảm nhận được rung chấn này”. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Đa-vốt, Thụy Sĩ) đang diễn ra từ ngày 22-25/1.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/1, VN – Index giảm 4,5 điểm xuống 906,55 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 172 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch trên sàn này chỉ đạt hơn 152 triệu đơn vị, với giá trị hơn 2.693 tỷ đồng.

HNX – Index giảm 0,83 điểm xuống 102,54 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng giá, 68 mã đứng giá và 75 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 26,29 triệu đơn vị, với giá trị gần 310 tỷ đồng.

Sắc đỏ đã lan rộng ra toàn thị trường; trong đó có những nhóm cổ phiếu quan trọng như nhóm VN30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh nhất lên thị trường chứng khoán khoán). Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 20 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chung-khoan-toan-cau-nhuom-sac-do/111375.html