Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

Không chỉ chứng khoán Việt Nam, chứng khoán thế giới cũng đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Ba do nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang.

Sau khi Trung Quốc có động thái đáp trả sẽ áp mức thuế nhập khẩu tương đương với hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD giông như Mỹ áp đặt với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế với hàng nhập 10% từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Không chỉ với hàng nhập từ Trung Quốc, trước đó chính quyền Tổng thống Trump cũng tăng thuế nhập khẩu với nhôm, thép từ các nước châu ÂU, Canada, Mexico và Nga vừa có động thái đáp trả khi áp thuế nhập khẩu với máy móc xây dựng đường bộ của Mỹ.

Châu Âu cũng đang tìm cách đáp trả lại hành động của Mỹ và ông Trump tuyên bố không muốn thấy xe Đức tại Mỹ.

Những hành động của ông Trump trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư nhận thấy rằng, đó không chỉ là chiến thuật đàm phán, mà việc áp thuế nhập khẩu là hành động thực của chính quyền Trump.

Chính vì vậy, phố Wall tiếp tục có phiên giảm mạnh trong phiên thứ Ba, trong đó Dow Jones có lúc đã rơi xuống dưới đường trung bình 100 trước khi hồi trở lại, nhưng vẫn đóng cửa dưới đường trung bình 50.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall trong phiên có lúc tăng lên mức cao nhất gần 3 tuần 14,68 điểm, trước khi giảm trở lại và chốt ở mức 13,35 điểm.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Dow Jones giảm 287,26 điểm (-1,15%), xuống 24.700,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,16 điểm (-0,40%), xuống 2.762,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 21,44 điểm (-0,28%), xuống 7.725,58 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên lao dốc trong phiên thứ Ba khi nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang đã khiến nhóm cổ phiếu ô tô và các tập đoàn đa quốc gia giảm mạnh.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,48 điểm (-0,36%), xuống 7.603,85 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 156,14 điểm (-1,22%), xuống 12.677,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 59,84 điểm (-1,10%), xuống 5.390,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nỗi lo chiến tranh thương mại gia tăng thêm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ đánh thuế với hàng nhập từ Trung Quốc lên 200 tỷ USD nếu Bắc Kinh thực hiện các biện pháp đáp trả đợt đánh thuế đầu tiên trị giá 30-40 tỷ USD khiến chứng khoán khu vực lao dốc.

Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất 3 tháng, xuống mức thấp nhất trong tháng, chứng khoán Trung Quốc có phiên lao dốc gần 4%, xuống mức thấp nhất 2 năm và chứng khoán Hồng Kông cũng xuống mức thấp nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 401,85 điểm (-1,77%), xuống 22.278,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 841,24 điểm (-2,78%), xuống 29.468,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 114,08 điểm (-3,78%), xuống 2.907,82 điểm.

Không chỉ chứng khoán, nỗi lo cuộc chiến thương mại leo thang cũng khiến giá vàng chịu tác động tiêu cực và tiếp tục có phiên giảm, xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên thứ Ba. Thông thường, những rủi ro sẽ hỗ trợ cho giá vàng, bởi nhà đầu tư thường xem đây là kênh trú ẩn an toàn, nhưng trong trường hợp này, nhà đầu tư xem vàng và các kim loại quý khác như là một loại hàng hóa nguyên liệu thô hơn là kênh trú ẩn, mà các hàng hóa nguyên liệu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại. Do đó, giá vàng đã liên tiếp giảm trong những phiên vừa qua, đặc biệt là khi đồng USD tăng mạnh và trở lại mức cao nhất 11 tháng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 19/6, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,26%), xuống 1.274,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,5 USD (-0,12%), xuống 1.278,6 USD/ounce.

Sau khi hồi phục trong phiên đầu tuần, giá dầu thô Mỹ đã trả lại hết những gì đã có được trong phiên đầu tuần khi chốt phiên thứ Ba. Giá dầu thô Brent cũng đảo chiều giảm, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn nhiều.

Giá dâu thô quay đầu giảm cũng do ảnh hưởng từ nỗi lo cuộc chiến thương mại leo thang. Ngoài ra, việc Iran cho biết, OPEC không thể đạt được thỏa thuận hôm nay và nước này đang thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu.

Kết thúc phiên 19/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,78 USD (-1,20%), xuống 65,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,35%), xuống 75,08 USD/thùng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/chung-khoan-toan-cau-chim-trong-sac-do-232983.html