Chứng khoán toàn cầu chìm trong lo ngại và căng thẳng

Từ 22 – 26/10/2018, chứng khoán thế giới ghi nhận một tuần giao dịch ảm đạm với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường trước những căng thẳng thương mại toàn cầu và đà tăng của lãi suất.

Mức độ biến động của thị trường có xu hướng vẫn tiếp diễn khi chỉ số VIX duy trì ở mức cao. Lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ tiếp tục trong xu hướng tăng, trong khi đó, USD index phục hồi về mức cao gần nhất tuần là những yếu tố khiến cho tâm lý nhà đầu tư hoảng sợ và lo ngại. Thêm vào đó, các báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3 đang dần được công bố không như kỳ vọng đã không thể tạo lực đỡ cho đà giảm của thị trường hiện tại. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số DowJones Index và S& P 500 lần lượt ghi nhận mức sụt giảm 2,48% và 3,53%. Các chỉ số chính của thị trường Châu Âu như DAX, CAC40 hay FTSE100 Index chịu chung áp lực giảm điểm nhưng mức giảm điểm không quá nhiều như thị trường Mỹ và các chỉ số của chứng khoán Châu Á.

Trong tuần qua, chứng khoán Châu Á là khu vực chịu áp lực giảm mạnh nhất với các thông tin tiêu cực từ hai thị trường lớn nhất khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản. Hai chỉ số chính Nikkie 225 và Hangseng Index ghi nhận mức giảm mạnh nhất lần lượt là 6,32% và 5,49% trong tuần. Chỉ số Shanghai Index chốt tuần giảm 2,11%, hồi phục nhẹ khi các quan chức tài chính của quốc gia này đã phải có những phát biểu và động thái trấn an tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư đang ngày càng gia tăng. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế cùng với nỗi lo có thể phá giá đồng Đồng Nhân dân tệ CNY đang là những áp lực lớn cho giới tài chính quốc gia này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số những thị trường sụt giảm mạnh với VnIndex và HNX Index đều có mức giảm hơn 5,3% trong tuần, đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi thị trường tiệm cận mức 1.025 điểm.

Thanh khoản trên thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường ghi nhận hơn 4.751 tỷ đồng/phiên. Sự lo ngại của giới đầu tư đang kéo theo đà rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường, ảnh hưởng nhiều nhất là thị trường mới nổi và cận biên đều có một tuần bị rút ròng mạnh.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F1811 giao dịch cao đỉnh điểm với 782.190 hợp đồng được giao dịch do dòng tiền đầu cơ kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh, số vị thế mở (OI) tiếp tục duy trì ở mức cho thấy niềm tin vào xu hướng giảm đang mạnh. Công ty chứng khoán nhận định tuần giao dịch tới thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm và biến động giá lớn. Giao dịch hợp đồng tương lai không nên mở vị thế bán mới khi giá hợp đồng tương lai xuống thấp và chênh lệch lớn với VN30.

Bức tranh ngắn và trung hạn của thị trường ngày càng trở lên tệ hơn với các chỉ số liên tục giảm sâu và nhiều cổ phiếu lớn đổ gãy khi càng ngày càng có nhiều cổ phiếu giao dịch dưới MA200 ngày. Trong khi đó diễn biến thị trường tài chính thế giới vẫn khá căng thẳng khi các thị trường chủ chốt khu vực Châu Á và Châu Âu tiếp tục tìm các mức đáy mới. Chỉ số đo sức mạnh của đồng Đô la trong rổ tiền tệ quốc tế USD Index tiếp tục tăng và đang tiếp cận lại vùng đỉnh của tháng 8/2018 quanh mức 97 điểm càng khiến các thị trường mới nổi và cận biên chịu nhiều sức ép rút vốn từ khối ngoại.

Công ty Chứng khoán nhận định rủi ro để vỡ vùng đáy tháng 7/2018 quanh mức 885 điểm của VNIndex là quá cao và điều này xảy ra sẽ khiến các chỉ số và nhiều cổ phiếu xảy ra tình trạng bán tháo. Các cơ hội bắt đáy sẽ xuất hiện khi diễn ra tình trạng này nhưng mức độ rủi ro sẽ rất cao và chỉ phù hợp cho nhà đầu tư đủ sức nhanh nhạy và chấp nhận mạo hiểm.

PV

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/chung-khoan-toan-cau-chim-trong-lo-ngai-va-cang-thang-220865.html