Chứng khoán toàn cầu bứt phá trong năm 2021

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 chứng khoán toàn cầu phần lớn trong sắc đỏ, song tính trong cả năm qua, hầu hết các chỉ số chính đều đạt mức tăng trưởng ngoạn mục.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán New York, chỉ số S&P 500 đã ghi dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số với giá trị tăng tới 27,1% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong năm qua, chỉ số này cũng có tới 70 lần lập đỉnh, chỉ đứng thứ 2 sau năm 1954.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 18,7% giá trị trong năm 2021, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi dấu ấn tăng trưởng mức 21,4%.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 14%; chỉ số CAC 40 của Pháp “leo” gần 29%, mức cao nhất trong hơn 20 năm qua; trong khi chỉ số DAX của Đức cũng tăng gần 16%.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 30/12 giữa bối cảnh các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ Năm mới.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 0,4% xuống 28.791,71 điểm. Song, tính trong cả năm 2021, chỉ số này đã tăng gần 5% và ghi nhận mức đóng cửa hàng năm cao nhất kể từ năm 1989.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,62% lên 3.619,19 điểm, còn chỉ số Hang Seng tăng 0,11% lên 23.112,01 điểm. Đáng chú ý, trong phiên này, giá cổ phiếu của công ty khởi nghiệp (startup) về trí tuệ nhân tạo (AI), SenseTime tăng vọt 23% trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường Hong Kong. Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, tài sản của nhà đồng sáng lập SenseTime, Tang Xiao'ou đã tăng 500 triệu USD lên khoảng 3,9 tỷ USD.

Kevin Philip, Giám đốc điều hành tại công ty quản lý tài sản Bel Air Investment Advisors (Mỹ), dự báo năm tới thị trường sẽ đối mặt với một thế giới ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hơn và trở lại với trạng thái bình thường.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 50% trong một năm qua do nhu cầu về mặt hàng này tăng mạnh trong thời kỳ phục hồi kinh tế.

Mặc dù các thị trường chứng khoán và dầu mỏ đều bứt phá mạnh trong năm qua song giới đầu tư vẫn bày tỏ quan ngại về những biến động trong thời gian tới, xuất phát từ nguy cơ gia tăng lạm phát, dịch COVID-19 tiếp diễn và việc các ngân hàng trung ương tăng tốc thu hẹp quy mô các gói kích thích kinh tế.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-toan-cau-but-pha-trong-nam-2021-98191.html