Chứng khoán tháng 6 có thể tích cực hơn

Nửa cuối tháng 6 sắp tới, một số sự kiện quốc tế quan trọng được giới chuyên môn có thể tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cuộc họp của Fed, đánh giá của MSCI, cuộc gặp của các đại diện OPEC và một cuộc gặp có thể diễn ra giữa hai vị lãnh đạo hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc.

Những sự kiện lớn

Hầu hết các thị trường chứng khoán đều đang chờ đợi kết quả của cuộc chiến đã kéo hơn một năm qua. Nhận định chung của các ngân hàng lớn trên thế giới là mọi khả năng đều có thể xảy ra, nhưng sẽ có các cuộc thương thảo tiếp tục sau đó.

Tuy nhiên rủi ro về việc không có một thỏa thuận thương mại và một cuộc chiến tranh toàn diện cao hơn so với cuộc gặp tháng 11 giữa Tổng thống Mỹ và Trung Quốc.

Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá Đông Nam Á, trong đó Việt Nam sẽ ít ảnh hưởng nhất từ chiến tranh thương mại. Nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu ảnh hưởng lớn khi cuộc chiến này leo thang.

Các thị trường Đông Nam Á đã giảm khá nhiều kể từ khi Trump thông báo trên Twitter sẽ tăng thuế trên 200 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc như Thái Lan (-3,6%), Indonesia (-3,7%), Singapore (-8,2%), và Việt Nam (-0,1%).

Mức giảm này chưa phản ánh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện khi mà các nhà đầu tư vẫn đang hy vọng cuối cùng sẽ có một thỏa thuận đạt được. Như vậy, các kịch bản sau có thể xảy ra: căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang có thể khiến thị trường giảm mạnh ở Việt Nam và thế giới; hoặc hai bên có thể tạm thời hoãn việc tăng thuế các mặt hàng của nhau.

Và cuối cùng, kịch bản dễ xảy ra nhất là hai bên sẽ ngồi lại đàm phán và Tổng thống Trump sẽ lại nói về một thỏa thuận lớn như trước đây. Trong kịch bản này, thị trường có thể tăng lại nhưng không nhiều do phần đông đều đang phản ánh suy nghĩ này.

Kỳ đánh giá tháng 6 của MSCI

MSCI (Morgan Stanley Capital International) - trụ sở tại New York, là công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng luật chứng khoán sửa đổi sẽ là nền tảng để chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) ra đời, công cụ mà các nhà quản lý hy vọng giải quyết bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả với kịch bản tích cực nhất, luật được thông qua trong kỳ họp quốc hội vào tháng 10 tới đây thì cũng phải mất đến 2 năm để vận hành NVDR.

Thêm vào đó, giới hạn sở hữu nước ngoài chỉ là một trong những vướng mắc của Việt Nam. Trong 9 tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt trong kỳ đánh giá năm 2018, có tới 6 tiêu chí không liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Do vậy, dù MSCI gần đây có xu hướng đưa vào danh sách theo dõi một nước cận biên mới khi nước được theo dõi trước đó thăng hạng (Ví dụ: MSCI thêm Kuwait vào danh sách theo dõi khi Argentina được công bố lên hạng), khả năng Việt Nam được vào danh sách theo dõi hoặc được nâng hạng trong năm sau là rất thấp.

Tuy nhiên trong dài hạn chúng ta có thể tin tưởng vào điều đó khi nhìn vào quy mô của nền kinh tế Việt Nam lớn hơn so với nhiều nước trong rổ chỉ số MSCI mới nổi.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt, các chỉ số có thể biến động trong biên độ hẹp ở nửa đầu tháng 6. Nửa cuối tháng, thị trường có thể trở nên tích cực hơn do kỳ vọng về những tin tốt từ các sự kiện lớn, nhưng mức tăng là không nhiều. Mức độ rủi ro ở thời điểm này không quá lớn khi khối lượng giao dịch ổn định trong suốt thời gian qua, các chỉ số khá gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh, và khối ngoại chưa chuyển qua bán ròng.

Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt

Nguyễn Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289884/chung-khoan-thang-6-co-the-tich-cuc-hon-.html