Chứng khoán phái sinh: Kênh đầu tư hấp dẫn

Thời gian qua, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì tốc độ tăng trưởng với khối lượng giao dịch liên tục tăng so với tháng trước, đặc biệt là khi thị trường cơ sở biến động mạnh.

TTCKPS Việt Nam bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017. Ảnh: ST.

Thanh khoản thị trường liên tục bứt phá

Thời gian gần đây, trong khi TTCK cơ sở giao dịch ảm đạm, TTCKPS lại khá sôi động và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Thanh khoản trên thị trường liên tục bứt phá tạo các kỷ lục mới với khối lượng gấp nhiều lần thanh khoản của thị trường cơ sở.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, TTCKPS tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn với khối lượng hợp đồng bình quân đạt 48%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 45 nghìn hợp đồng/phiên. Đến nay đã có hơn 35 nghìn tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Đáng chú ý, chỉ riêng trong quý II/2018, khối lượng giao dịch phái sinh đạt hơn 4,1 triệu hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hơn 417.784 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2018. Cùng với đó, khối lượng mở OI toàn thị trường duy trì ổn định trong suốt nửa đầu năm 2018 và đến thời điểm này đã tăng gần 50% so với cuối năm 2017.

Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Cấu trúc sản phẩm Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), cũng như các nước khác trong khu vực và trên thế giới, khi TTCK cơ sở đã đủ mạnh cả về quy mô lẫn sự ổn định, thì việc ra đời TTCK phái sinh là điều tất yếu để tăng thêm các cơ hội mới cho nhà đầu tư, cũng như thu hút thêm nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường.

"Theo dõi thị trường chúng ta thấy rằng, cứ tuần nào thị trường cơ sở và VN-Index biến động mạnh thì khối lượng giao dịch trên TTCKPS cũng khá lớn. Mặc dù chưa phản ánh được tất cả, nhưng điều này phần nào cho thấy, phái sinh đã và đang dần trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhiều nhà đầu tư đang tham gia giao dịch bởi bản chất hai thị trường này là có tính liên thông, tỷ lệ thuận với nhau về mặt diễn biến. Tôi cho rằng, đây là vai trò của phái sinh khi góp phần giảm bớt biến động mạnh trên thị trường cơ sở", ông Nguyễn Tuấn Cường nhận định.

Bằng chứng là trong những phiên giao dịch gần đây, trong khi thị trường cơ sở giảm vì áp lực chốt lời thì diễn biến thị trường phái sinh tích cực và thu hẹp chênh lệch với chỉ số cơ sở.

Đơn cử như tại phiên giao dịch ngày 7/8, trong khi TTCK cơ sở giảm nhẹ trước áp lực chốt lời với việc VN-Index đóng cửa giảm xuống 956,79 điểm (-3,44 điểm; -0,36%) do ảnh hưởng từ VNM, VHM, GAS, VIC; VN30-Index giảm 2,92 điểm (-0,31%) xuống 936,92 điểm thì hầu hết các hợp đồng tương lai trên TTCKPS đều tăng điểm. Ngoại trừ F1808, các hợp đồng còn lại đều tăng nhẹ lúc đóng cửa. Hợp đồng F1808 có quay đầu giảm nhẹ 0,1 điểm ở phút cuối vẫn tích cực hơn chỉ số cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là thị trường mới, do đó vẫn phải cần thêm thời gian để khẳng định được vai trò phòng ngừa rủi ro của mình. Khi thị trường đủ mạnh số lượng nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, thì vai trò này sẽ được thể hiện rõ nét hơn.

Kỳ vọng vào các hợp đồng kỳ hạn dài

CKPS đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhờ phát huy lợi thế giao dịch hai chiều để tạo thêm cơ hội. Nói cách khác, dù chỉ số giảm hay tăng, nhà đầu tư đều có thể kiếm lời nếu dự báo đúng xu hướng. Mức lợi nhuận càng lớn nếu biến động càng nhanh.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, sức hấp dẫn của TTCKPS giai đoạn này không nằm ở vai trò phòng vệ rủi ro mà là kênh đầu tư ngắn hạn thay thế thị trường cơ sở. Điều này thể hiện ở thực tế khối lượng giao dịch tăng mạnh, nhưng khối lượng hợp đồng mở không tăng và duy trì tỷ lệ thấp. Đa phần các hợp đồng tương lai được đóng vị thế ngay trong phiên.

"Với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn rất nhiều TTCK cơ sở (1:5 so với 1:1) và diễn biến chỉ số gần đây biến động mạnh trong phiên, kênh đầu tư này được đánh giá còn "khốc liệt" gấp nhiều lần thị trường cơ sở", một nhà đầu tư nhận định.

CKPS là một sản phẩm mới, phức tạp và có tính đòn bẩy cao. Do vậy, nếu nhà đầu tư tham gia thị trường này mà không hiểu rõ về vận hành sản phẩm cũng như các điều kiện liên quan khác của sản phẩm thì rủi ro với nhà đầu tư cá nhân là lớn. Đại diện VNDS cho rằng, nhà đầu tư muốn đầu tư CKPS thì cần phải hiểu rõ sản phẩm, phương thức giao dịch trước khi tham gia và mục đích tham gia thị trường để phòng ngừa rủi ro cho danh mục họ đang nắm trên chứng khoán cơ sở thay vì để đầu cơ.

Dự báo trong thời gian tới, ông Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, TTCKPS sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt khi sắp tới có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp lớn như quỹ đầu tư hay nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Hiện tại, thanh khoản tập trung 98-99% vào hợp đồng tháng, nhưng khi các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường và phòng ngừa rủi ro cho danh mục cơ sở thì sẽ làm tăng thanh khoản của các hợp đồng kỳ hạn dài.

TTCKPS Việt Nam bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2017 với sản phẩm duy nhất hiện tại là hợp đồng tương lai (chỉ số VN30-Index). Sau 1 năm hoạt động, TTCKPS đến nay đã có 9 công ty chứng khoán tham gia và liên tục duy trì được hoạt động ổn định.

So với TTCK cơ sở, hàng hóa trên TTCKPS không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai, cụ thể là chỉ số VN30-Index. Nói cách khác, nhà đầu tư sẽ mở vị thế mua (long) khi đánh giá chỉ số VN30 sẽ tăng trong tương lai, hoặc mở vị thế bán (short) nếu kỳ vọng chỉ số này đi xuống.

Nhật Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chung-khoan-phai-sinh-kenh-dau-tu-hap-dan.aspx