Chứng khoán ngày 24/12: Xu hướng giảm và khả năng phục hồi trong ngắn hạn

TGTTO Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số VN-Index biến động trong xu hướng giảm điểm kéo dài cả tuần với việc hình thành đáy sau thấp hơn đáy trước và đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.

Tính chung tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,666 điểm (-6,87%), đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, chỉ số S&P500 giảm 7,05%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,36%.

Giá dầu WTI giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/12) và đóng cửa ở mốc 45,59 USD/ thùng (-0,6%), tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 11,4%. Giá dầu Brent đóng cửa ở mốc 53,82 USD/ thùng (-1%), tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 10,7%. Số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã tăng lên 88 giàn càng tăng thêm lo lắng về việc dư cung dầu khiến giá dầu giảm mạnh.

Thị trường trong nước tuần qua tiếp tục xu hướng giảm điểm với ảnh hưởng tiêu cực từ TTCK Mỹ cũng như đà lao dốc của giá dầu. Các cổ phiếu nhóm large cap, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí bị bán mạnh với nhịp phục hồi yếu, tuy nhiên lực cầu đã dần xuất hiện ở một số cổ phiếu trong phiên cuối tuần giúp thị trường chung lấy lại trạng thái cân bằng.

Nhóm cổ phiếu large cap vẫn tác động đáng kể đến đà giảm điểm của chỉ số VN-Index, đặc biệt là các cổ phiếu chịu áp lực bán từ khối ngoại trong đợt tái cơ cấu, nằm trong danh mục giảm tỷ trọng của các quỹ ETFs. Cổ phiếu VNM, VHM, HPG, VJC, VRE, MSN bị bán mạnh và liên tục phá đáy quá khứ, hình thành mặt bằng giá mới thấp hơn. Ngược lại, các cổ phiếu large cap giữ nhịp thị trường là: ROS, SAB, PLX, PNJ

Cổ phiếu HPG lao dốc trong tuần qua từ mức giá 33.500 đồng/ cổ phiếu xuống mức thấp nhất là 29.000 đồng/ cổ phiếu (-13,4%) và phục hồi về mức 29.950 đồng/ cổ phiếu với cầu bắt đáy xuất hiện trong phiên cuối tuần. Đây là vùng giá hồi quý 4/2017 của HPG với P/E trở lại vùng 6,91 lần, mức định giá khá rẻ so với thị trường chung và so với bình quân ngành thép.

Cổ phiếu SBT phục hồi sau chuỗi giảm mạnh và giao dịch tích cực trở lại với thông tin TV HĐQT Bà Đặng Huỳnh Ức My muốn mua thêm 12 triệu cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu SBT đã lấy lại được đà giảm trong tuần và đóng cửa ở mốc 20.500 đồng/ cổ phiếu với thanh khoản đạt 1,7 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa với nhóm cổ phiếu tăng điểm là: BID, CTG, HDB, KLB, VPB các cổ phiếu EIB, LPB, MBB, VIB đóng cửa ở mức tham chiếu trong khi VCB, STB, SHB, ACB chìm trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trở lại tình trạng phân hóa với nhóm cổ phiếu tăng điểm là PVB, PVC, PVS, các cổ phiếu giữ mức giá tham chiếu là: BSR, POW trong khi nhóm cổ phiếu đóng cửa chìm trong sắc đỏ là: GAS, PVD, OIL.

Nhóm xây dựng, bất động sản (CTD, HPX, HBC), thủy sản (VHC, MPC) và nhóm cao su (PHR, DRC, DPR, CSM) giữ được đà tăng khá tốt.

Tuần qua, khối ngoại bán ròng 190,5 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 3,2 tỷ đồng trên HNX. Các mã cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực bán của khối ngoại là CTG (bán ròng 235,13 tỷ đồng), MSN (bán ròng 123,62 tỷ đồng), HPG (bán ròng 86,96 tỷ đồng), VHM (bán ròng 77,26 tỷ đồng), NVL (bán ròng 70,45 tỷ đồng). Ở chiều mua, khối ngoại mua ròng PNJ (mua ròng 253,53 tỷ đồng), BID (mua ròng 87,60 tỷ đồng), PVD (mua ròng 76,44 tỷ đồng), AST (mua ròng 76,23 tỷ đồng), CTD (mua ròng 63,27 tỷ đồng).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/12), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 912,26 điểm, giảm 5,98 điểm (-0,65%), giá trị giao dịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng với 131 mã tăng giá, 67 mã tham chiếu và 144 mã giảm giá. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc 104,45 điểm, giảm 0,08 điểm (-0,08%), giá trị giao dịch đạt 522,92 tỷ đồng với 80 mã tăng, 51 mã tham chiếu, 62 mã giảm. Chỉ số Upcom-Index đóng cửa tại mốc 52,75 điểm, tăng 0,01 điểm (+0,03%) với giá trị giao dịch đạt 376,30 tỷ đồng.

Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số VN-Index biến động trong xu hướng giảm điểm kéo dài cả tuần với việc hình thành đáy sau thấp hơn đáy trước và đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Đà bán đã giảm ở phiên cuối tuần, cây nến ngày đóng cửa phiên cuối tuần sát mức mở cửa hình thành nến dạng Doji đồng thời có khoảng trống giảm giá kiểu một ngôi sao phản ánh sự thất vọng của bên bán ngay đầu phiên. Bên cạnh đó ngôi sao Doji này cũng là một tín hiệu cảnh báo khả năng hồi phục ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Hỗ trợ ngắn hạn đang ở vùng 900-910 điểm và kháng cự vùng 970 điểm.

THÀNH LONG

Chứng khoán phái sinh

Ở thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai phái sinh chỉ số VN30-Index biến động trái chiều. Hợp đồng tháng 1/2019 (VN30F1901) đáo hạn ở mốc 879,5 điểm và hợp đồng tháng 2/2019 (VN30F1902) đóng cửa ở mốc 872,2 điểm, hợp đồng tháng 3/2019 (VN30F1903) đóng cửa ở mốc 880 điểm, hợp đồng tháng 6/2019 (VN30F1906) đóng cửa ở mốc 879,9 điểm.

Một số cổ phiếu large cap trong nhóm VN30-Index đã xuất hiện tín hiệu bắt đáy và đóng cửa trong sắc xanh khi giảm về vùng giá hấp dẫn, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các chỉ số hợp đồng tương lai và chỉ số cơ sở VN30-Index. Nhà đầu tư có thể chờ mở vị thế mua (go long) các hợp đồng phái sinh trong nhịp điều chỉnh trên thị trường cơ sở và nắm giữ qua ngày.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chung-khoan-ngay-24-12-xu-huong-giam-va-kha-nang-phuc-hoi-trong-ngan-han-21162.html