Chứng khoán ngày 21/3: Cổ phiếu nào nên chú ý?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 21/3.

Khuyến nghị mua DPM với giá mục tiêu 60.900 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Triển vọng giá urê: Do mâu thuẫn Nga – Ukraine, giá urê toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.000-1.100 USD/tấn. Giá urê bán lẻ trong nước cũng tăng lên 18.000 đồng/kg (khoảng 780 USD/tấn).

DPM kỳ vọng giá urê trung bình đạt 720 USD/tấn trong quý 1 và sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 2, sau đó giảm trong 6 tháng cuối năm với nguồn cung tăng thêm từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, DPM kỳ vọng giá bán urê trung bình năm 2023 đạt 600 USD/tấn, lần lượt cao hơn 30% và 60% dự báo giá trung bình của chúng tôi cho năm 2022 và 2023, cho thấy tiềm năng tăng đối với dự báo.

Khả năng xuất khẩu urê: Liên quan đến thông tin về khả năng cấm xuất khẩu urê, DPM cho rằng điều này khó có thể xảy ra do 1) Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, 2) DPM được xuất khẩu ure nếu nhu cầu trong nước thấp.

Năm 2022, DPM đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn (-16,7% YoY) nhưng đã xuất khẩu được 80.000 tấn trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, công ty kỳ vọng tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu trong các quý tiếp theo nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao.

 CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 21/3?

CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 21/3?

Triển vọng phân NPK: Giá của các sản phẩm urê, photpho và kali (nguyên liệu đầu vào của NPK) đang tăng. Tuy nhiên, DPM kỳ vọng các mức tăng này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến KQKD của công ty do DPM đã chốt được nguyên liệu sản xuất cho nhà máy NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 và hiện đang có lợi thế về chi phí đầu vào thấp. Công ty kỳ vọng sản lượng và biên lợi nhuận của mảng NPK đều gia tăng trong năm 2022.

Triển vọng cổ tức tiền mặt: Công ty đặt mục tiêu 3.500 đồng/CP cho năm 2021 và 1.000 đồng/CP cho năm 2022. Công ty có thể gia tăng mức cổ tức tiền mặt cho năm 2022 khi lợi nhuận thực tế vượt kế hoạch.

Triển vọng nguồn cung khí và cước phí vận chuyển khí: DPM đã chốt cơ chế cước phí vận chuyển khí cho năm 2022 với PVN và GAS, mức cướ phí này cao hơn 10% so với dự báo hiện tại. Trong khi đó, DPM chưa chốt cơ chế cước phí trong dài hạn. Tuy nhiên, DPM kỳ vọng nguồn cung khí từ mỏ khí giá rẻ Sư Tử Trắng – giai đoạn 2A sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn khí đầu vào trong dài hạn.

Nhìn chung, VCSC nhận thấy tiềm năng tăng đối với dự báo cho DPM. VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho DPM với giá mục tiêu 60.900 đồng/cp.

Khuyến nghị mua HQC với giá mục tiêu 10.190 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): HQC có một phiên tăng điểm tốt khi hình thành mẫu hình nến Marubozu hoàn hảo cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, MA20 vẫn đang ở dưới MA50 có xu hướng cắt lên.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 8.19, chốt lãi tại ngưỡng 10.19 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 7.5.

Khuyến nghị khả quan cho VNM với giá mục tiêu 90.000 đồng/cp

CTCK SSI: SSI khuyến nghị khả quan đối với VNM của CTCP Sữa Việt Nam mặc dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm và PE mục tiêu về 90.000 đồng/cp (từ 106.000 đồng/CP) và 19x (từ 21x) kết hợp với phương pháp DCF.

SSI điều chỉnh định giá xuất phát từ việc doanh thu quý 4/2021 hồi phục chậm hơn ước tính trong khi biên lợi nhuận gộp vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn.

SSI thấy giá đầu vào (bột sữa, thức ăn chăn nuôi và giá dầu) sẽ chưa điều chỉnh sớm trong nửa đầu 2022. Theo đó, SSI điều chỉnh giảm 4,4% ước tính lợi nhuận sau thuế 2022.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/chung-khoan-ngay-213-co-phieu-nao-nen-chu-y-134577.html