Chứng khoán ngày 15/2: Thị trường có thể rung lắc

Ngưỡng kháng cự tiếp theo của chỉ số VN-Index tại SMA (200) quanh 960 điểm, tuy nhiên tín hiệu chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện, thị trường chung có thể xuất hiện nhịp rung lắc, điều chỉnh kỹ thuật trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ năm (14/2) với nhịp tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ trong khi các nhóm cổ phiếu khác giảm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ năm (14/2), chỉ số Dow Jones giảm 103,88 điểm (-0,41%), đóng cửa ở mốc 25.439,39 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 7,30 điểm (-0,27%) và đóng cửa ở mốc 2.745,73 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,54 điểm (+0,09%) và đóng cửa ở mốc 7.022,42 điểm.

Giá dầu WTI tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ năm (13/2) và đóng cửa ở mốc 54,33 USD/ thùng. Kế hoạch cắt giảm sản lượng và kì vọng tích cực vào cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá dầu.

Áp lực chốt lời xuất hiện

 Đồ thị chỉ số VN-Index

Đồ thị chỉ số VN-Index

Thị trường chung tiếp tục duy trì đà tăng với sự cải thiện của thanh khoản, các cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu ngành Thép tiếp tục duy trì đà tăng của chỉ số VN-Index.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau giữ nhịp thị trường với lực cầu tập trung vào các cổ phiếu như: MSN, SAB, VJC, VNM, VRE, NVL.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đã xuất hiện áp lực chốt lời trong ngắn hạn sau đợt tăng mạnh trước đó khi cổ phiếu đủ T+ về tài khoản nhà đầu tư.

Nhóm cổ phiếu ngành Thép tiếp tục phiên tăng giá thứ hai, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim đóng cửa ở mức giá trần 7.530 đồng/ cổ phiếu với thanh khoản đạt 1,9 triệu cổ phiếu. Các mã cổ phiếu khác như HPG, HSG, TLH tiếp tục duy trì đà tăng và đóng cửa trong sắc xanh.

Khối ngoại mua ròng 1,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 16 tỷ đồng trên HNX. Các mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là: MSN (mua ròng 1,2 nghìn tỷ đồng), VCB (mua ròng 61,12 tỷ đồng), VNM (mua ròng 50 tỷ đồng), HPG (mua ròng 42,23 tỷ đồng). Ở chiều bán, khối ngoại bán ròng các mã VHM (bán ròng 17,70 tỷ đồng), DQC (bán ròng 10,09 tỷ đồng), DRC (bán ròng 8,77 tỷ đồng), KBC (bán ròng 8,63 tỷ đồng), VJC (bán ròng 8,55 tỷ đồng).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ năm (14/2), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 952,34 điểm, tăng 7,09 điểm (+0,75%), giá trị giao dịch đạt 4,8 nghìn tỷ đồng với 142 mã tăng giá, 51 mã tham chiếu và 155 mã giảm giá. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc 106,12 điểm, giảm 0,38 điểm (-0,35%), giá trị giao dịch đạt 432,44 tỷ đồng với 75 mã tăng, 58 mã tham chiếu, 65 mã giảm. Chỉ số Upcom-Index đóng cửa tại mốc 55,39 điểm, giảm 0,41 điểm (-0,73%) với 67 mã tăng, 40 mã tham chiếu và 74 mã giảm điểm, giá trị giao dịch đạt 219,53 tỷ đồng.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã lấp khoảng trống giá (gap) quanh 952 điểm. Xu hướng tăng điểm tiếp tục duy trì, các chỉ báo kỹ thuật về xung lượng thị trường như RSI, MACD tiếp tục củng cố và xác nhận xu hướng tăng điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của chỉ số VN-Index tại SMA (200) quanh 960 điểm, tuy nhiên tín hiệu chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện, thị trường chung có thể xuất hiện nhịp rung lắc, điều chỉnh kỹ thuật trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Thị trường phái sinh

Bảng giá chứng khoán phái sinh

Ở thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index đồng loạt giảm điểm. Hợp đồng đáo hạn tháng 2/2019 (VN30F1902) đóng cửa ở mốc 892,1 điểm, hợp đồng tháng 3/2019 (VN30F1903) đóng cửa ở mốc 890 điểm, hợp đồng tháng 6/2019 (VN30F1906) đóng cửa ở mốc 888,8 điểm, hợp đồng tháng 9/2019 (VN30F1909) đóng cửa ở mốc 890 điểm.

Dấu hiệu phân kỳ đã xuất hiện khi chỉ số VN30-Index cơ sở đóng cửa trong sắc xanh trong khi 4 hợp đồng tương lai đều bị bán mạnh ở cuối phiên và đóng cửa giảm điểm. Điều này cho thấy tâm lý lo ngại một đợt điều chỉnh đã xuất hiện, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán ( go short) để phòng hộ cho danh mục cổ phiếu cơ sở.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/chung-khoan-ngay-15-2-thi-truong-co-the-rung-lac-157803.html