Chứng khoán Mỹ: Yếu tố nào có thể kéo thị trường đi lên trở lại?

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trở lại vào hôm qua, khi sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ đã ngăn chặn thị trường giữ được những mức tăng ở đầu phiên. Các nhà đầu tư cũng duy trì sự cẩn trọng sau khi các cổ phiếu đã có đợt bán tháo trong tuần trước, mà được châm ngòi một phần bởi lãi suất tại Mỹ đang tăng lên.

Chỉ số Nasdaq trở thành nạn nhân lớn nhất trước sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu công nghệ, với cổ phiếu Apple giảm, công ty mẹ của Google là Alphabet, Microsoft và Amazon đều giảm lớn hơn 1%.

Nhà đầu tư chưa hoàn hồn

Chỉ số công nghiệp Dow Jones sau khi tăng vào đầu phiên thì về cuối phiên đã đảo chiều rớt trở lại, đóng cửa giảm 89,44 điểm, tương đương 0,4% xuống 25.250,55 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 16,34 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa tại 2.50,79 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 66,15 điểm, tương đương 0,9% và kết thúc tại 7.430,74 điểm.

Bank of America báo cáo kết quả quý 3 đánh bại dự báo, cho thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 0,66 USD, cao hơn so với kỳ vọng là 0,62 USD. Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn giảm 1,9% do tăng trưởng cho vay gần như đi ngang.

Cổ phiếu Apple chìm sâu 2,1% sau khi chuyên gia phân tích của Goldman Sachs là Rod Hall cảnh báo rằng nhu cầu iPhones yếu hơn tại thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng đế doanh số bán hang và khiến công không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng của phố Wall.

Vào hôm thứ sáu cuối tuần trước, chỉ số Dow Jones đã bật tăng mạnh trở lại đến 287,16 điểm, tương đương 1,2% lên 25.339,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,4% lên 2.767,13 điểm, cắt đứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, trong khi chỉ số Nasdaq cũng tăng mạnh 2,3% và có ngày giao dịch tốt nhất từ 26/3. Tuy nhiên, tính chung cả tuần thì chỉ số Dow vẫn giảm đến 4,2%, S&P mất 4,1% và Nasdaq bốc hơi 3,7%, đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3 đến nay.

Các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn hồn sau 2 ngày bán tháo trong tuần trước, mà đã thổi bay 1.400 điểm ở chỉ số Dow và đẩy Nasdaq rớt vào vùng điều chỉnh kỹ thuật. Thiệt hại này gắn liền với sự lo ngại trước lợi suất trái phiếu đột ngột dâng lên, trong đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm leo lến mức cao nhất trong 7 năm qua trên 3,25% vào tuần trước. Hôm qua, lợi suất này vẫn dao động quanh mức 3,15%, tiếp tục duy trì vững chắc trên mốc tâm lý 3%.

Lợi suất trái phiếu cao hơn cũng kéo lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tăng lên và khiến các nhà đầu tư tránh xa những tài sản có tính rủi ro như cổ phiếu. Về cơ bản, lợi suất trái phiếu đi ngược chiều với giá.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 0,1%, thấp hơn kỳ vọng. Nếu loại trừ doanh số bán xe hơi, thì con số này không đổi so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất New York tăng 2,1 điểm lên 21,1 điểm trong tháng 10, so với mức 19 điểm tháng trước. Hàng tồn kho kinh doanh tháng 8 tăng 0,5%.

Doanh số iPhone của Apple có thể bị ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc

2 yếu tố cần có để thúc đẩy giới đầu tư tiếp tục mua vào

Được xem như một động lực chính dẫn dắt thị trường, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 sẽ tiến đến giai đoạn cao điểm trong tuần này, với nhiều doanh nghiệp sẽ bắt đầu công bố báo cáo tài chính. Trong đó có một trong những ngân hàng lớn nhất là Goldman Sachs, trong khi công ty cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu là Netflix cũng sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.

Căng thẳng địa chính trị cũng là mối lo ngại khác của các nhà đầu tư, lần này là với Ả rập Saudi, vốn đang bị vướng vào mâu thuẫn ngoại giao với Mỹ. Hôm chủ nhật, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa “trừng phạt nghiêm trọng” Ả rập Saudi nếu phát hiện có bất kỳ manh mối nào cho thấy nhà cầm quyền nước này dính líu vào sự kiện một nhà báo bất đồng chính kiến mất tích gần đây tại Thổ Nhỉ Kỹ. Ả rập Saudi cũng không vừa khi ngay lập tức phản ứng với những lời đe dọa, và điều này gây lo ngại sẽ châm ngòi đẩy giá dầu tăng vọt.

Các nhà đầu tư cũng phân tích các bình luận của tổng thống Mỹ được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn “60 phút” vào tối chủ nhật, khi Trump đe dọa sẽ có một vòng thuế quan thứ ba lên hang hóa Trung Quốc, mà ông cho rằng Bắc Kinh sẽ “không còn đủ đạn để trả đũa”.

Thomas Martin, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp của GLOBALT Investments cho rằng các nhà đầu tư nên xem xét lịch sử gần đây nếu họ muốn biết thị trường có thể đi đâu trong những tuần tới. Ông lập luận rằng các yếu tố tương tự này cũng đã dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng hai, bao gồm lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng, áp lực lạm phát và sự thay đổi từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị, vốn cũng là những yếu tố đã dẫn đến xu hướng điều chỉnh của tuần trước. Nhưng cũng giống như diễn biến đã xảy ra vào tháng hai và tháng ba, lợi suất sau đó "đã giảm trở lại từ mức cao của tuần trước.

Ông chia sẻ: "Chúng ta hiện đang trong giai đoạn mà thị trường đang hấp thụ các mức lợi suất cao này, và nếu lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 tiếp tục gây ấn tượng, thì một đợt phục hồi mạnh mẽ tương tự như những gì đã xảy ra trong mùa xuân sẽ sớm xuất hiện”.

Hussein Sayed, chiến lược gia thị trường chính tại FXTM, cho biết trong một lưu ý cho khách hàng: “Các nhà đầu tư cần có 2 yếu tố để tiếp tục mua vào thị trường chứng khoán. Thứ nhất, và cũng là điều quan trọng nhất, chính là lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phải duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ và vượt dự báo 20% trong quý 3, đồng thời cho thấy triển vọng tăng trưởng trong những quý tới sẽ tiếp tục tích cực. Thứ hai là Mỹ và Trung Quốc phải sớm nối lại các cuộc đàm phán thương mại. Nếu 2 điều kiện trên không xảy ra, thì có vẻ như chứng khoán vừa qua đã đat đỉnh của năm nay rồi và những ngày kế tiếp sẽ là khó khăn”.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á kết thúc hơn vào hôm qua, dẫn đầu là chỉ số Nikkei 225 của Nhật rớt 1,9%. Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Âu cũng suy giảm.

Giá dầu thô leo lên cao hơn cùng với giá vàng, trong khi chỉ số USD Index giảm 0,2%.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/yeu-to-nao-co-the-keo-thi-truong-di-len-tro-lai-15201.html