Chứng khoán Mỹ trước nguy cơ chìm sâu

Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh trong phiên cuối tuần, khi những lo ngại về lãi suất đang tăng khiến lu mờ báo cáo việc làm tháng Chín, mà cho thấy sức mạnh trong thị trường lao động và nền kinh tế rộng tiếp tục mở rộng hơn.

Các chỉ số chứng khoán chính đã đối diện với sự bất ổn khá lớn trong tuần này, khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại các tài sản được xem là rủi ro như cổ phiếu.

Lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhanh

Báo cáo việc làm tháng 9 công bố hôm qua cho thấy đã có thêm 134.000 việc làm được tạo ra trong tháng, thấp hơn mức dự báo là 168.000 việc làm, do ảnh hưởng những cơn bão gần đây.

Báo cáo cũng công bố tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống 3,7%. Ngoài ra, mức lương trung bình hàng giờ trả cho công nhân Mỹ tăng 0,3%/ giờ, trong khi tỷ lệ tiền lương theo giờ tính theo 12 tháng tăng 2,8%. Dữ liệu tiền lương được quan tâm đặc biệt vì nó có thể báo trước một số dấu hiệu về lạm phát trong nền kinh tế Mỹ.

Peter Cardillo, kinh tế trưởng của Spartan Capital Securities bình luận: “Tiền lương chắc chắn theo xu hướng cao hơn, đó là một điểm đáng báo động cho thị trường. Điều đó có thể sẽ giữ cho thị trường trái phiếu bị áp lực, nghĩa là lợi suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn và đồng đô la sẽ tiếp tục mạnh lên. Tất cả những điều đó sẽ gây áp lực lên cổ phiếu. Do đó, tôi chỉ lạc quan một cách thận trọng về triển vọng của thị trường cổ phiếu cho giai đoạn tới, khi mà chúng ta đang chứng kiến rất nhiều biến động trong ngắn hạn và tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một thị trường có tính phòng thủ trở lại”.

Michael Matousek, trưởng bộ phận giao dịch tại U.S Global Investors, cho rằng báo cáo bảng lương cung cấp cơ sở cho thị trường theo cả 2 hướng tăng và giảm.

Ông nói: “Một số người nói tỷ lệ thất nghiệp thấp đến nỗi FED có thể tích cực hơn trong việc tăng lãi suất, trong khi những người khác nói rằng vì dữ liệu việc làm tạo ra công bố thấp hơn dự báo, nên lãi suất có thể tăng chậm lại. Tất cả mọi người đều có cơ sở để tin vào lập luận của mình. Riêng tôi nghĩ rằng nếu tiền lương tiếp tục nóng lên, điều đó sẽ làm cho FED có thêm lý do để tăng lãi suất".

Lợi suất trái phiếu đã tiếp tục tăng vào hôm qua, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 2,4 điểm cơ bản lên 3,22%. Cách đây một tháng, lợi suất này chỉ xoay quanh mức 2,88%.

Thị trường lao động Mỹ quá nóng có thể thúc đẩy nhà điều hành có thêm lý do để tăng lãi suất nhanh hơn

Sự gia tăng của lợi suất trái phiếu phản ánh nhận thức ngày càng tăng rằng nền kinh tế tiếp tục mạnh mẽ, thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu. Điều đó đẩy lợi suất lên cao hơn, vì lợi suất trái phiếu và giá cả di chuyển nghịch với nhau.

Trong khi nền kinh tế mạnh tạo ra môi trường tốt cho cổ phiếu, thì lợi suất trái phiếu cao hơn cũng có thể làm giảm sự hào hứng dành cho cho cổ phiếu, vì khi đó thị trường trái phiếu có thể mang lại lợi nhuận tiềm năng cao hơn cho các nhà đầu tư, vốn luôn muốn tìm kiếm thu nhập cố định mà không có rủi ro hoặc biến động mạnh như thị trường cổ phiếu. Trong khi đó, lạm phát tăng tốc cũng báo hiệu khả năng FED có thể phải tích cực hơn trong việc tăng lãi suất, điều này có thể được xem là một rào cản cho xu hướng tăng giá của thị trường cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông giảm

Trước những lo ngại trên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục có phiên giảm mạnh 180,43, tương đương 0,7%, xuống 26.447,05 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 16,04 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa tại 2.885,57 điểm. Chỉ số Nasdaq chìm sâu 91,06 điểm, tương đương 1,2% và kết phiên tại 7.788,45 điểm. Cả 3 chỉ số trên đã có thời điểm giao dịch trong sắc xanh vào đầu phiên, nhưng đã không thể giữ được những mức tăng đạt được.

Có đến 10/11 lĩnh vực chính thuộc chỉ số S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ, chỉ riêng nhóm ngành tiện ích tăng 1,57%. Đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu công nghệ rớt mạnh 1,27%, đánh dấu 2 phiên liên tiếp đi xuống, khi chịu sức ép từ đà sụt giảm của cổ phiếu Intel và Microsoft.

Cổ phiếu Tesla hôm qua cũng đã giảm 7,1% sau khi David Einhorn của Greenlight Capital lập luận rằng Tesla đang theo con đường pha sản tương tự như ngân hàng Lehman Brothers. Những lời chỉ trích đến một ngày sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk thông qua mạng Twitter đã chế giễu Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và cáo buộc cơ quan này đang giúp đỡ người bán khống.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ truyền thông, cũng mất 1,04%. Cổ phiếu các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông, bao gồm nhóm FAANG – Facebook, Amazon, Apple, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet. Trong đó, cổ phiếu Amazon giảm 1%. Cổ phiếu Apple rớt 1,6% sau khi David Einhorn của Greenlight Capital cho biết đã bán số cổ phần còn lại trong công ty do e ngại “các động thái đáp trả của Trung Quốc đối với chính sách thương mại của Mỹ”.

Kết chung cả tuần, chỉ số S&P 500 trượt 1%, đánh dấu tuần thứ hai đi xuống liên tiếp. Chỉ số Nasdaq giảm mạnh đến 3,2% trong khi chỉ số Dow gần như đi ngang.

Hôm thứ Năm, chỉ số Dow đã gánh chịu mức giảm tính theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng 8 đến nay, trong khi cả S&P và Nasdaq đều giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 6.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á nhìn chung đi xuống vào hôm qua, với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ gây áp lực lên thị trường. Đáng lưu ý, chỉ số chứng khoán Sensex của Ấn Độ đã giảm đến 792 điểm, tương đương 2,25%. Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Âu cũng đóng cửa trong sắc đỏ, mở rộng đà sụt giảm trong tuần này.

Giá dầu thô gần như đi ngang, trong khi giá vàng leo lên cao hơn. Ngược lại, chỉ số USD Index lại sụt giảm.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ch%C3%BAng-kho%C3%A1n-m%E1%BB%B9-truoc-nguy-co-ch%C3%ACm-sau-14372.html