Chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu hoàn tất tuần giảm mạnh nhất từ năm 2020

Nhà đầu tư dường như không lo ngại về tín hiệu suy thoái từ thị trường trái phiếu, khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần đầu tiên đảo ngược từ năm 2019...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/4), khi nhà đầu tư đánh giá về triển vọng của quý mới và trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu suy thoái kinh tế. Giá dầu có thêm một phiên giảm và hoàn tất tuần mất giá tồi tệ nhất kể từ năm 2020 do động thái xả mạnh dự trữ của Mỹ.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,34%, đạt 4.545,86 USD. Chỉ số Nasdaq tăng 0,29%, đạt 14.261,5 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 139,92 điểm, tương đương tăng 0,4%, đạt 34.818,27 điểm.

Đây là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 và của quý 2, sau khi giá cổ phiếu ở Phố Wall vừa trải qua quý 1 với mức giảm mạnh. Phiên này, thị trường phát đi một số tín hiệu tích cực.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York đã tụt khỏi mốc 100 USD/thùng sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ xả thêm dự trữ dầu chiến lược (SPR). Giá năng lượng tăng cao thời gian gần đây do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine đã dẫn tới những lo ngại về lạm phát leo thang và tăng trưởng giảm tốc. Mối lo này đã gây biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong quý đầu năm.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 431.000 công việc mới trong tháng 3, tuy không đạt dự báo bình quân 490.000 công việc mới mà giới phân tích, nhưng vẫn cao hơn dự báo của nhiều chuyên gia.

“Trong lúc có nhiều người lo ngại kinh tế Mỹ đi sai hướng, số liệu việc làm vừa công bố cũng yếu hơn dự báo, nhưng không đến nỗi tệ nếu xét tới bối cảnh hiện nay”, Giám đốc đầu tư Neil Birrell của Primier Miton Investors phát biểu. “Những công việc cần tuyển người vẫn đang tìm được nhân sự, tăng trưởng tiền lương vẫn đang mạnh, cho thấy nền kinh tế đang trong trạng thái ổn. Đó là tình hình lúc này. Câu hỏi đặt ra là thị trường việc làm và nền kinh tế nói chung sẽ ra sao khi lãi suất tăng cao hơn”.

Nhà đầu tư dường như không lo ngại về tín hiệu suy thoái từ thị trường trái phiếu, khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần đầu tiên đảo ngược từ năm 2019. Lịch sử cho thấy, sự đảo ngược của đường cong lợi suất này là dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra. Nếu có, suy thoái thường xuất hiện khoảng hơn 1 năm sau khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược.

“Đó là một tín hiệu cảnh báo về việc liệu Fed có tạo ra được một cuộc hạ cánh mềm trong nền kinh tế hay không. Đó là một mối lo hợp lý”, chiến lược gia trưởng Keith Lerner của Truist Advisory Services phát biểu. “Nhưng phần lớn các dữ liệu hiện nay cho thấy rằng chỉ riêng sự đảo ngược của đường cong lợi suất lúc này không phải là một tín hiệu để bán cổ phiếu trong ngắn hạn”.

Tuần này, S&P 500 tăng không đáng kể, trong khi Dow Jones giảm 0,12% và Nasdaq tăng 0,65%. Trong quý 1, Dow Jones và S&P 500 sụt tương ứng 4,6% và 4,9%, trong khi Nasdaq mất hơn 9% điểm số.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,3%, chốt tuần ở 104,39 USD/thùng. Giá dầu Wti giảm 1%, còn 99,27 USD/thùng.

Giá dầu giảm sau khi các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí gia nhập cùng Mỹ trong đợt xả dự trữ dầu lửa chiến lược lớn chưa từng thấy của nước này. Sau khi Tổng thống Joe Biden công bố quyết định xả dự trữ dầu vào hôm thứ Năm, giá dầu đã giảm khoảng 7%. Tính cả tuần này, giá dầu giảm khoảng 13%.

Trong đợt xả dự trữ dầu của Mỹ, mỗi ngày 1 triệu thùng dầu sẽ được bán ra, trong vòng 3 tháng liên tục kể từ tháng 5, đồng nghĩa với 180 triệu thùng dầu sẽ được bổ sung cho thị trường. Các nước IEA chưa nhất trí về mức xả dự trữ dầu của mỗi nước, dự kiến vấn đề này sẽ được quyết định sau một vài tuần nữa.

Giới phân tích cho rằng việc xả dự trữ dầu chỉ là giải pháp tạm thời và không thể thay đổi được tình trạng thiếu cung dầu trên thị trường.

“Nỗ lực của Mỹ không làm thay đổi sự thật rằng thị trường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn cung dầu trong những tháng tới đây”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil phát biểu. “Mức xả dự trữ của Mỹ là ít so với dự báo sự hao hụt nguồn cung dầu từ Nga có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày khi lệnh trừng phạt phát huy tác dụng và khách mua từ chối dầu Nga”.

Dù nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc đang yếu đi do phong tỏa chống Covid, ngân hàng JPMorgan Chase tuyên bố giữ nguyên dự báo giá dầu ở mức 114 USD/thùng trong quý 2 năm nay và 101 USD/thùng trong nửa sau của năm.

“Chúng tôi nhận thấy rằng việc xả dự trữ không phải là một nguồn cung bền vững. Nếu nguồn cung dầu từ Nga hao hụt bình quân hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm tới, thì thị trường dầu năm 2023 sẽ thiếu cung nghiêm trọng. Khi đó, dự báo giá dầu 98 USD/thùng cho năm 2023 sẽ là quá thấp”, báo cáo của JPMorgan Chase viết.

Bình Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-diem-gia-dau-hoan-tat-tuan-giam-manh-nhat-tu-nam-2020.htm