Thu ngân sách 2 tháng ước đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.

60/63 địa phương thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán

Bộ Tài chính nhận định, hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2 chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với thời gian nghỉ dài và nằm trọn trong nửa đầu tháng 2. Tuy vậy, phần lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi, thích ứng linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới” là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, từ đó có đóng góp vào ngân sách.

Theo đó, tổng thu NSNN tháng 2 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó: Thu nội địa tháng 2 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,2% dự toán, tăng 4,9%). Thu từ dầu thô 2 tháng đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá dầu bình quân 2 tháng tăng. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng so với cùng kỳ.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Bộ Tài chính cho biết, trong số thu nội địa, có 8/12 khoản thu vượt tiến độ dự toán (đạt trên 17%), trong đó có các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù đạt khá so với dự toán, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4% dự toán, giảm 0,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán, giảm 12,8%…

Có 4 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là: thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (đạt 16,6%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 10,8%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 14,6%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đạt 13,8%).

Ước tính cả nước có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 35/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ; 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp thu ngân sách

Bộ Tài chính dự đoán, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, áp lực tăng giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu; kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan thu trong ngành Tài chính ngay từ đầu năm đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp thu NSNN, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa tăng cường thanh kiểm tra, để thu đúng, thu đủ về ngân sách.

Trung ương bổ sung cho địa phương 767 tỷ đồng chống dịch

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2022 bổ sung cho các địa phương 767 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại cho thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Việc kịp thời bổ sung nguồn dự phòng từ ngân sách trung ương cho các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng giúp các địa phương có thêm nguồn lực, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Được biết, nhiều địa phương cũng đã có văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ khi nguồn kinh phí phòng, chống dịch đang dần hạn hẹp.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân.

Về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 2 tháng, Bộ Tài chính đã phát hành 32,46 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 16,17 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.

Theo đó, cơ quan thuế đã tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu NSNN; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế, quản lý hóa đơn bán hàng, chống thất thu ngân sách. Cơ quan thuế cũng đã kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 15/2/2022, cơ quan thuế đã thực hiện 3.774 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra hơn 25,7 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, kiến nghị xử lý tài chính 3.484 tỷ đồng; trong đó thu nộp NSNN 848 tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ 2,636 tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước tính đến hết tháng 2 khoảng 7.329 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan đã chủ động tăng cường kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Cơ quan kho bạc nhà nước (KBNN) cũng đã tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư. Đồng thời, KBNN chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp, các đối tượng gửi tiền tại KBNN.

Về chi NSNN, tổng chi NSNN 2 tháng ước đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán. Các nhiệm vụ chi NSNN trong 2 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho phòng, chống dịch Covid-19, chi trả kịp thời các khoản an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết cổ truyền.

Tích cực xây dựng các quy định hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Cùng với việc tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành cuối năm 2021, trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022). Trong đó quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 quy định về 1ệ phí trước bạ (có hiệu 1ực từ ngày 1/3/2022). Nghị định này đã bổ sung mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) áp dụng đối với ô tô điện chạy pin (trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50 % mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Trên đây là một trong nhóm những nhiệm vụ đã được Bộ Tài chính rốt ráo triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản phân công các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện 18 nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được giao chủ trì và 13 nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các bộ, cơ quan khác, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể để các chính sách sớm đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách liên quan đến hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-2-thang-uoc-dat-hon-323-nghin-ty-dong-101195.html