Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm, Dow Jones lao dốc hơn 260 điểm

Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giao dịch ảm đạm, khi các nhà đầu tư lo ngại sự lây lan của biến thể Delta tác động tiêu cực đến tốc độ phục hồi kinh tế.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giao dịch trái chiều khi đóng cửa phiên ngày 7/9, trong bối cảnh thị trường quan ngại tác động lâu dài của biến thể Delta tới quá trình tái mở cửa nền kinh tế.

 Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 260 điểm khi đóng cửa phiên ngày 7/9. Ảnh: CNBC

Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 260 điểm khi đóng cửa phiên ngày 7/9. Ảnh: CNBC

Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 269,09 (tương đương 0,76%) về mức 35.100,00 điểm, chịu sức ép bởi đà giảm 1.8% của cổ phiếu Boeing. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,3% xuống còn 4.520,03 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite cộng gần 0,1% lên mức 15.374,33 điểm, ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục.

Dữ liệu việc làm tháng 8 kém khả quan được công bố cuối tuần trước tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư sau 3 ngày nghỉ lễ. Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã tạm đóng cửa vào ngày 6/9 nghỉ Lễ Lao động.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8 tại nước này chỉ tăng 235.000, thấp hơn nhiều so với 1.053.000 việc làm ghi nhận trong tháng 7. Trong khi đó, các nhà kinh tế dự báo có 728.000 việc làm mới trong tháng 8.

Ngân hàng Goldman Sachs cuối tuần trước đã hạ dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ, với lý do lo ngại về biến thể Delta và việc thu hẹp chương trình kích thích tài khóa. Theo dự báo của Goldman, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021 đạt 5,7%, thấp hơn dự báo trước đó 6,2%. Ngân hàng này đã hạ triển vọng GDP trong quý IV/2021 từ 6,5% xuống 5,5%.

Goldman lưu ý thêm: “Những thách thức với tăng trưởng tiêu dùng mạnh trong tương lai dường như rất lớn: Biến thể Delta đã gây áp lực lên tăng trưởng quý III, gói kích thích tài khóa dần thu hẹp cùng với đà phục hồi chậm chạp trong lĩnh vực dịch vụ sẽ là những rào cản với tăng trưởng kinh tế trong trung hạn”.

Morgan Stanley ngày 7/9 cũng hạ triển vọng của thị trường cổ phiếu Mỹ. “Tháng 9 và 10 sắp tới có thể mang theo những rủi ro rất lớn liên quan tới tăng trưởng, chính sách và chương trình lập pháp" - các chiến lược gia của Morgan Stanley do Andrew Sheets lưu ý.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá cổ phiếu Boeing giảm 1,8% và dẫn đầu đà lao dốc của chỉ số Dow Jones, sau khi tờ Wall Street Journal cho biết quá trình bàn giao dòng máy bay 787 Dreamliner nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Hãng sản xuất sơn PPG Industries cảnh báo doanh số có thể giảm trong quý III/2021, do các vấn đề hậu cần và chi phí hàng hóa cao hơn. Cổ phiếu PPG Industries mất gần 3,4%. Nhóm cổ phiếu dược phẩm gồm Johnson & Johnson, Merck and Amgen đều chìm trong sắc đỏ sau khi Morgan Stanley hạ bậc 3 cổ phiếu này.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cả Dow Jones và S&P 500 đều lao dốc sau khi báo cáo việc làm tháng 8 tại Mỹ thấp hơn kỳ vọng, gia tăng thêm lo ngại kéo dài về tác động của dịch Covid-19 và biến thể Delta.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Dow Jones đã tăng khoảng 14,7%, S&P 500 leo dốc 20,3% và Nasdaq Composite cộng 19,3%. Giới đầu tư và các chuyên gia phân tích vẫn đang quan sát khả năng điều chỉnh lớn của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 9 này./.

Nguyễn Thu (Theo CNBC)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chung-khoan-my-giao-dich-am-dam-dow-jones-lao-doc-hon-260-diem-434026.html