Chứng khoán Mỹ: điều chỉnh do chốt lời

Thị trường chứng khoán Mỹ phần lớn tiếp tục đóng cửa cao hơn vào hôm qua, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones bật trở lại từ mức thấp trong ngày. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq khựng lại bởi sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất chip, trong khi sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Apple đã không hỗ trợ gì được cho cổ phiếu của công ty có giá trị lớn nhất thế giới này.

Apple giảm sau khi ra mắt sản phẩm mới

Chỉ số S&P 500 nhích 1,03 điểm, tương đương 0,04% lên 2.888,92 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones cũng tăng 27,86 điểm, tương đương 0,1%, đóng cửa tại 25.998,92 điểm, tiếp cận trở lại mốc 26.000. Ngược lại, chỉ số Nasdaq ngược dòng xu hướng chung khi rớt 18,24 điểm, tương đương 0,2% và kết phiên tại 7.954,23 điểm.

Chỉ có 3 trong số 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 là sụt giảm, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu công nghệ lại rớt 0,5%, trong khi nhóm tài chính giảm 0,8% và tiện ích giảm 0,1%.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã có 2 phiên tăng liên tiếp đầu tuần này, theo sau chuỗi 4 ngày giảm điểm trước đó vào tuần trước. Đáng lưu ý là diễn biến giao dịch gần đây khá trầm lắng với chỉ số S&P đã không có phiên nào đóng cửa biến động quá 0,5% theo cả hai hướng kể từ đầu tháng đến nay.

Vào hôm qua, hãng sản xuất điện thoại thông minh Apple đã tung ra phiên bản iPhone XS và XS Max với tuổi thọ pin kéo dài, cùng với một mẫu thiết kế đặc biệt được trang bị thẻ SIM kép chỉ dành cho thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy công ty công nghệ khổng lồ này đang cố gắng nhiều nhất có thể để duy trì cạnh tranh ở một trong những thị trường đáng thèm muốn nhất thế giới. Tuy nhiên, các tin tức trên đã không giúp gì cho diễn biến giao dịch của cổ phiếu Apple, khi hôm qua điều chỉnh giảm trở lại 1,2%.

Các nhân viên Apple đứng chờ đợi sự kiện tung ra sản phẩm mới trước cửa nhà hát Steve Jobs ở Cupertino, bang California

J.J. Kinahan, giám đốc chiến lược thị trường tại TD Ameritrade nói: “ Chúng ta cần phân biệt giữa sự bán tháo được dẫn dắt bởi một động lực làm thị trường thay đổi thật sự với một áp lực điều chỉnh thông thường. Trong những phiên sụt giảm vừa qua, thị trường chủ yếu chịu áp lực bán từ hoạt động chốt lời sau khi đã duy trì xu hướng tăng mạnh suốt một năm rưỡi qua và liên tiếp lập đỉnh, đặc biệt là tại một số nhóm ngành như công nghệ đã có diễn biến còn vượt trội hơn. Về xu hướng dài hạn, tôi chưa thấy một sự thay đổi thật sự nào, các con số báo cáo tiếp tục thể hiện một nền kinh tế đang mạnh mẽ.”

Eric Aanes, chủ tịch của Titus Wealth Management cho rằng nhóm cổ phiếu công nghệ gần đây bị gánh nặng bởi quan điểm cho rằng định giá đã quá cao và bất kỳ "sai lầm" nào cũng có thể gây ra sự sụt giảm lớn. Aanes tin rằng nhóm cổ phiếu này có thể dễ dàng giảm từ 5% đến 10% nếu có bất kỳ tin tức nào có thể được coi là ít tích cực hơn ảnh hưởng đến thị trường.

Mỹ và Trung Quốc sắp có cuộc đàm phán mới

Trên mặt trận thương mại, Mỹ đã tiếp cận Trung Quốc để thiết lập các cuộc thỏa thuận tiếp theo sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng trước kết thúc mà không có kết quả nào đạt được. Động thái này được xem như một nỗ lực để mở đường cho Bắc Kinh một cơ hội khác nhằm giải quyết các vấn đề thương mại nổi bật, trước khi chính quyền Trump áp thêm thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác khác của nước này cũng đã gây áp lực lên thị trường toàn cầu trong những tháng gần đây, tuy nhiên thị trường cổ phiếu của Mỹ lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các báo cáo kinh tế lạc quan và báo cáo thu nhập quý 2 của công ty thể hiện sự tăng trưởng vững chắc.

Trong tuần này, các nhà đầu tư tiếp tục tập trung theo dõi cuộc chiến riêng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà theo các nhà phân tích cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ làm tổn thương tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ công bố mới nhất, chi phí bán buôn hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm trở lại trong tháng 8, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên trong 1 năm rưỡi qua, cho thấy khả năng xu hướng đi lên của lạm phát gần đây phần nào sẽ hạ nhiệt.

Còn theo dữ liệu mới nhất của Beige Book công bố thì nền kinh tế Mỹ đang duy trì sự tăng trưởng với tốc độ vừa phải, mặc dù có một số hoạt động yếu hơn ở một số khu vực. Cũng theo báo cáo lưu ý thì các lo ngại thương mại và tình trạng thiếu công nhân cũng đang làm trì hoãn các dự án.

Về phía FED, Chủ tịch FED tại St. Louis là James James Bullard cho biết các quan chức thiết lập lãi suất của cơ quan này chưa dành đủ sự chú chú ý đến những dấu hiệu mà thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu muốn nói với họ.

ĐỒNG AN

Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đóng cửa yếu hơn vào hôm qua, ngoại trừ thị trường Ấn Độ. Ngược lại các chỉ số chứng khoán châu Âu nhìn chung đi lên tích cực. Chỉ số USD Index dùng để đánh giá diễn biến của đồng bạc xanh với một rổ 6 đồng tiền lớn khác giảm 0,4%.

Giá dầu thô leo lên cao hơn trong nỗi lo ngại cơn bảo Florence đang hướng vào Bờ Đông, thúc đẩy nhu cầu và làm tăng nỗi lo về sự gián đoạn đối với các đường ống dẫn xăng dầu trong khu vực.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chung-khoan-my-dieu-chinh-do-chot-loi-12373.html