Chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục lao dốc

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm mạnh trong năm nay. Nhưng giới quan sát cho rằng đà giảm vẫn chưa kết thúc.

Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đã lao dốc trong năm nay. Chỉ số NASDAQ - thiên về công nghệ - sụt giảm gần 25% kể từ đầu năm. Chỉ số S&P 500 chứng kiến 6 tuần giảm điểm liên tiếp và thấp hơn 16% so với mức cao kỷ lục.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/5, chỉ số NASDAQ giảm 142,21 điểm, tương đương 1,2%, xuống 11.662,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 15,88 điểm còn 4.008 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 26,76 điểm lên 32.223 điểm.

"Câu hỏi đặt ra là chứng khoán Mỹ có tiếp tục đà giảm không", hãng tin CNN nhận định.

Các cổ phiếu công nghệ đã tăng giá mạnh nhờ những gói kích thích kinh tế quy mô lớn trong thời kỳ đại dịch. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, chỉ số NASDAQ - thiên về công nghệ - sụt giảm gần 25%.

Các cổ phiếu công nghệ đã tăng giá mạnh nhờ những gói kích thích kinh tế quy mô lớn trong thời kỳ đại dịch. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, chỉ số NASDAQ - thiên về công nghệ - sụt giảm gần 25%.

Các thị trường đỏ lửa

Trở lại hồi đầu năm 2020, thị trường giảm điểm do các đợt bùng phát Covid-19 đã không tác động nhiều tới tâm lý nhà đầu tư. Làn sóng đầu cơ thậm chí còn bùng lên mạnh mẽ nhờ những gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có.

Khi đại dịch bùng phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Cơ quan này cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.

Với các khoản tiền được hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư vào cổ phiếu meme, tiền mã hóa và những tài sản rủi ro khác. Nhưng bước sang năm 2022, giá cổ phiếu của các công ty như GameStop, AMC, Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác đã lao dốc nghiêm trọng.

Chỉ số Business Fear & Greed Index của CNN - với 7 thước đo tâm lý thị trường - đã chỉ ra ngưỡng Extreme Fear, tức sợ hãi tột độ, trong tuần qua.

Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 vẫn đang ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch.

Chỉ số S&P 500 giảm 16% từ mức cao kỷ lục, nhưng vẫn cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch.

Vì vậy, theo CNN, giá cổ phiếu có thể còn giảm nhiều hơn nữa trước khi thị trường chạm đáy. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như có ý định tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán.

"Thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát quá cao sẽ làm tăng khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất, ngay cả khi chỉ số S&P 500 rơi vào đà giảm", ông Gavin Stephens - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Goelzer - bình luận.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4, đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng và đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,3% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,1% của Dow Jones.

Vào tháng 3, CPI của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980. Điều này cho thấy FED sẽ phải hành động nhiều hơn để đối phó với giá cả tăng nóng.

Để đối phó với lạm phát, các quan chức FED đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và cam kết sẽ tiếp tục để hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay là 2%.

Tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc

Tin tốt đối với các nhà đầu tư là cổ phiếu hiện đã rẻ hơn nhiều so với mức trước khi thị trường lao dốc trong năm nay.

Tuy nhiên, CNN nhận định cổ phiếu "rẻ" là có lý do. Lợi nhuận trong quý I chỉ tăng khoảng 9% so với một năm trước, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý IV/2020.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Theo FactSet, thu nhập dự kiến chỉ tăng 4,4% vào quý II và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều đợt nâng lãi suất của FED.

Thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát quá cao sẽ làm tăng khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất, ngay cả khi chỉ số S&P 500 rơi vào đà giảm

Ông Gavin Stephens, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Goelzer

"Dường như đây chưa phải là lúc thị trường chạm đáy", ông Christopher Smart - Giám đốc chiến lược toàn cầu, người đứng đầu Viện đầu tư Barings - nhận xét.

Giới quan sát cho rằng nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư. "Các vị có thể bỏ lỡ những đợt phục hồi tốt nhất nếu ngừng đầu tư vì khả năng giá giảm", ông Tony Molina tại Wealthfront bình luận.

"Cần nhớ rằng sự biến động là một phần bình thường của đầu tư. Các vị sẽ không mất khoản tiền nào, trừ khi các vị bán những khoản đầu tư của mình với giá thấp hơn số tiền đã trả cho chúng", ông phân tích.

"Lịch sử cho thấy thị trường có xu hướng tăng trong dài hạn. Điều đó có nghĩa là nếu các vị tuân theo chiến lược đa dạng hóa và tiếp tục đầu tư, các vị có thể vượt lên dẫn trước", ông Molina lập luận.

Nói cách khác, các nhà đầu tư có thể chờ đợi một đợt tăng giá khác, sau khi sự biến động hiện tại giảm xuống.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-khoan-my-co-the-tiep-tuc-lao-doc-post1318043.html