Chứng khoán Mỹ có khởi đầu tháng 12 tốt nhất trong 8 năm qua

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh vào hôm qua, với chỉ số S&P 500 có khởi đầu tháng 12 tốt nhất kể từ năm 2010, sau khi Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần qua đã đồng ý 'đình chiến' tạm thời trong cuộc chiến thương mại hiện tại.

Sắc xanh tràn ngập thị trường

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 287,97 điểm, tương đương 1,1%, lên 25.826,43 điểm. Chỉ số S&P 500 leo dốc 30,2 điểm, tương đương 1,1%, đóng cửa tại 2.790,37 điểm. Đây là phiên mở đầu tháng 12 tăng mạnh nhất của chỉ số vốn hóa lớn này, chỉ sau phiên tăng 2,16% vào ngày 01/12/2010, theo dữ liệu từ FactSet.

Chỉ số Nasdaq cũng tăng 110,98 điểm, tương đương 1,5% và kết phiên tại 7.441,51 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn là một trong các lĩnh vực nhạy cảm với căng thẳnng thương mại, đã tăng 2,1%. Cổ phiếu Apple, gần đây đã bị ảnh hưởng bởi lo ngại về khả năng bị áp thuế quan lên iPhone, đã vọt 3,5%.

Giá cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô đã tăng mạnh sau khi ông Trump tweet rằng Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ, với cổ phiếu Ford tăng 2% và General Motors tăng 3,9%.

Căng thẳng thương mại hạ nhiệt cũng giúp cổ phiếu của các công ty bán dẫn tăng trở lại, do nhiều công ty trong nhóm này đang bán hàng tại thị trường Trung Quốc. cổ phiếu Qualcom tăng 1,5% trong khi Micron Technologies tăng 3,8% và Nvidia tăng 4%.

Ngoài ra, cổ phiếu Boeing và Caterpillar, 2 công ty công nghiệp được cho là chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thương mại, lần lượt tăng 3,8% và 2,4%, qua đó tác động tích cực đến Dow Jones nói chung và đẩy nhóm cổ phiếu công nghiệp nói riêng tăng 1,2%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tăng 2,3% khi giá dầu phục hồi. Cùng với quyết định đình chiến thương mại Mỹ - Trung, thị trường dầu còn nhận được hỗ trợ khi tỉnh Alberta của Canada ra lệnh cắt giảm sản lượng, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ giảm nguồn cung.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, viện Markit đã công bố kết quả mới nhất từ cuộc thăm dò ý kiến của các nhà sản xuất, theo đó chỉ số PMI sản xuất đã giảm nhẹ từ mức 55,4 trong tháng trước xuống 55,3 điểm trong tháng này. Về cơ bản, PMI trên 50 cho thấy các điều kiện kinh tế đang cải thiện và tiếp tục mở rộng.

Trong khi đó, chỉ số PMI được công bố bởi Viện quản lý cung ứng (ISM) ở mức 59,3 điểm, cao hơn nhiều con số dự báo là 58 điểm và cũng cao hơn so với báo cáo tháng trước là 57,7 điểm.

Ngoài ra, số liệu chi tiêu xây dựng trong tháng 10 thấp hơn 0,1% so với tháng 9, theo Bộ Thương mại cho biết. Con số này cũng yếu hơn so với mức tăng dự kiến đạt 0,3% so với tháng 9.

Nhờ kết quả cuộc gặp Trump – Tập

Sự bế tắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã chứng kiến một bước đột phá mới tại cuộc họp G-20 ở Argentina, với bữa tối được nhiều mong đợi giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng thương mại, đồng thời thúc đẩy thảo luận về chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các rào cản phi thuế quan và các vấn đề về xâm nhập mạng và nông nghiệp, bên cạnh các vấn đề khác.

Trump - Tập ngừng chiến đã thúc đẩy các thị trường leo cao

Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán sắp tới không thành công, thì mức thuế suất đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn tăng lên 25% từ mức 10% như hiện nay, mà lẽ ra đã bắt đầu thực thi từ đầu năm 2019, nhưng bây giờ sẽ bị trì hoãn ít nhất ba tháng theo thỏa thuận. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ mua một lượng “nông nghiệp, năng lượng và hàng công nghiệp” đáng kể từ phía Mỹ.

Đồng thời, trong một chia sẻ vào cuối ngày chủ nhật, Trump cho biết Trung Quốc đã đồng ý "giảm và loại bỏ" thuế quan đối với xe ô tô Mỹ, hiện đang đặt ở mức 40%.

Tâm lý lạc quan thương mại đã tích cực đến các thị trường tài sản, với giá dầu thô phục hồi mạnh hơn 4%, khi các nhà đầu tư hướng tới một cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra vào thứ Năm tuần này. Sự đi lên của thị trường dầu cũng được hỗ trợ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua cho biết Nga và Ả rập Xê út đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô. Riêng Qatar cho biết họ sẽ rút khỏi OPEC từ ngày 1/1/2019 tới.

Timothy Chubb, giám đốc đầu tư của Univest Wealth Management, cho biết: “Thật khó chịu khi thấy thị trường có lúc bị kéo trở lại từ thời điểm mở cửa. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào mức tăng ấn tượng của tuần trước, thì có thể thấy rằng nhiều tin tốt lành đã được phản ánh trước vào thị trường". Thật vậy, diễn biến tăng mạnh trong tuần trước của chứng khoán Mỹ cũng là đến từ việc nhiều nhà đầu tư đã sớm tin rằng quyết định tạm dừng thuế mới sẽ đạt được trong cuộc gặp Trump – Tập.

Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng môi giới tiền tệ Pepperstone, chia sẻ trong một lưu ý cho khách hàng: "Ai mà biết được liệu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gây bất ngờ trong các cuộc đàm phán kế tiếp với việc chấp nhận các yêu cầu từ Mỹ, và thúc đẩy niềm tin rằng các đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn loại bỏ hẳn hàng rào thuế quan 10% đang đánh trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nếu điều đó xảy ra sẽ là một bước tiến rất lớn trong mối quan hệ giữa 2 bên”.

Nhưng dù gì thì diễn biến mới về thương mại trước mắt đã giúp thị trường phần nào an tâm trở lại. Và cho dù điều đó có bền vững hay không thì hiện tại các thị trường tài sản cũng sẽ được lợi.

Sàn giao dịch chứng khoán New York và sàn Nasdaq sẽ đóng cửa vào thứ tư tới, do Mỹ tổ chức lễ quốc tang để tưởng nhớ cựu Tổng thống George H.W. Bush vừa mới qua đời hôm 30/11. Một đám tang nhà nước cũng sẽ được tổ chức trong cùng một ngày.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á cũng phục hồi mạnh vào hôm qua, với chỉ số Nikkei tăng 1% và Shanghai của Trung Quốc tăng 2,6%. Chứng khoán châu Âu cũng kết thúc ngày trong sắc xanh, với chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1%.

Giá vàng cũng leo lên cao hơn trong khi chỉ số USD Index trượt trở lại.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chung-khoan-my-co-khoi-dau-thang-12-tot-nhat-trong-8-nam-qua-19536.html