Chứng khoán miễn nhiễm với Covid

Chỉ một phiên có chút hoảng loạn, nhưng rút kinh nghiệm từ những lần bùng phát dịch trước đây, lần này, thị trường nhanh chóng lấy lại sự ổn định cần thiết. Dù vậy, theo một số thành viên trên thị trường, vẫn cần thêm các yếu tố để 'giữ lửa' mốc trên 1.000 điểm.

Sợ bị lỡ con sóng chứng khoán đang mạnh hơn nỗi sợ Covid

Giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong gần 1 tháng trở lại đây và tiếp tục duy trì ở mức cao phản ánh dòng tiền lớn đang tham gia trên thị trường. Các nhà đầu tư vẫn mạnh dạn giải ngân.

Rõ ràng, kỳ vọng vào việc vắc-xin sớm được tung ra sử dụng trên thế giới đang làm chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán thế giới hồi phục.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm, dệt may, hóa chất đang tăng điểm mạnh.

Sợ bị lỡ con sóng chứng khoán đang có vẻ mạnh hơn là nỗi sợ Covid-19 đang đe dọa.

Số lượng nhà đầu tư giải ngân đang gia tăng nhanh trên thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ nới lỏng dự kiến được duy trì đến giữa năm 2021 đang khiến chứng khoán trở thành 1 trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.

Chúng ta sẽ cần làm quen với việc thanh khoản duy trì trên 10.000 tỷ đồng/phiên. Một khi vĩ mô khởi sắc hơn, số lượng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức gia tăng thì thị trường sẽ tiếp tục được giữ lửa.

Chưa khi nào, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán như hiện tại

Ông Nguyễn Xuân Hòa, nhà đầu tư tại Hà Nội

Với thông tin về ca lây nhiễm Covid mới, mặc dù chỉ số VN-Index ghi nhận giảm ở phiên đầu tuần nhưng không có hiện tượng bán tháo.

Việc giảm điểm cũng chủ yếu do một vài cổ phiếu trụ (nhóm có ảnh hưởng lớn đến chỉ số) mà nhóm này theo phân tích kỹ thuật thì cũng đã đến điểm cần điều chỉnh. Ngay khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ đầu tiên, đã có một dòng tiền canh bắt đáy mạnh mẽ tham gia, đẩy chỉ số tiếp tục tăng vọt, lấy lại những gì đã mất.

Chưa khi nào, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán như thời gian hiện tại, nhiều tài khoản đang ở trạng thái full cổ phiếu cũng như full margin.

Khi nào thị trường chứng khoán còn tăng, lợi nhuận kỳ vọng còn hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác thì dòng tiền còn ở lại thị trường.

Bên cạnh chứng khoán cơ sở, còn có chứng khoán phái sinh, với ưu điểm của sản phẩm này là nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm. Do vậy, để giữ được dòng tiền, thị trường chứng khoán cần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có thể giao dịch theo cả hai chiều như trên thị trường phái sinh.

Chưa có dấu hiệu dòng tiền rút ra

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Agribank.

Thị trường thế giới vẫn tiếp tục lập đỉnh mặc dù đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.

Đối trọng của Covid là sự tiến bộ trong quá trình nghiên cứu vắc-xin, có thể được triển khai đại trà ngay từ đầu năm sau.

Chính vì vậy, thông tin xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng không ảnh hưởng nhiều trong bối cảnh hiện tại, nếu có thì chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý 1, 2 phiên.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán luôn duy trì ở mốc trên 10.000 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, để duy trì thanh khoản ở mức cao như hiện tại, thị trường chứng khoán phải chứng tỏ được là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Điều này đang được thể hiện rất tốt trong nền lãi suất thấp hiện tại và khả năng tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm sau. Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cần hồi phục theo hình chữ V trong các quý tới.

Đồng thời, lạm phát cần được kiểm soát ở mức thấp để tránh việc tăng lãi suất điều hành; tỷ giá và môi trường kinh doanh cải thiện để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ánh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-mien-nhiem-voi-covid-post256847.html