'Chứng khoán là bong bóng lớn nhất lịch sử và sắp vỡ'

Dù thị trường chứng khoán có vẻ đang thể hiện tốt và bạn cho rằng Phố Wall đang sống khỏe, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Paul, người thường đưa ra nhận định giảm giá cho thị trường, lại nghĩ khác.

Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Ron Paul - Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chỉ số S&P 500 vừa quay lại mức cao lập được hồi tháng 3, chỉ số Dow đảo chiều, tăng lại trong năm 2018 còn chỉ số Nasdaq thì đang ở mức kỷ lục mới. Dù vậy, ông Paul cho rằng tất cả thực tế ấn tượng trên đều được xây dựng trên nền móng thiếu chắc chắn.

Ông Paul nói trên kênh CNBC: “Thị trường này đang ở thế bong bóng lớn nhất lịch sử nhân loại, khi nó nổ tung, nó có thể làm giảm một nửa thị trường chứng khoán. Tôi dự báo rắc rối phía trước, và nó bắt nguồn từ quá nhiều nợ, quá nhiều chi tiêu”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Paul đưa ra nhận định u ám. Trong chương trình “Futures Now” hồi tháng 8.2017, ông dự báo thị trường giảm 50%. Song trên thực tế, chỉ số S&P 500 tăng 15% từ thời điểm đó.

Ngoài nhận định về thị trường chứng khoán, ông còn nhắc đến chi tiêu chính phủ: “Chi tiêu của Quốc hội và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thao túng chính sách tiền tệ và lãi suất, nợ quá lớn, tài khoản vãng lai đang xấu, nợ nước ngoài xấu và sẽ không khá hơn”.

Paul không phải là chính trị gia duy nhất có quan điểm như trên. Một số chính trị gia Mỹ cũng lên tiếng lo ngại về tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, người từng cảnh báo về nợ quốc gia hồi năm 2012.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng thâm hụt ngân sách liên bang sẽ đạt trung bình 1.200 tỉ USD từ năm 2019 đến 2028, theo báo cáo triển vọng kinh tế do văn phòng công bố trong tháng 4. Ước tính thâm hụt năm 2018 tăng thêm 242 tỉ USD so với dự báo trước đó, vốn được đưa ra hồi tháng 6.2017. Cơ quan liên bang cho hay việc sửa đổi chủ yếu là vì nguồn thu dự kiến thấp hơn do cải cách thuế.

Ông Paul nói: “Chúng ta có một vị tổng thống thích chi tiêu. Ông ấy không quan tâm đến thâm hụt. Fed sẽ tiếp tục phồng lên và điều này sẽ bóp méo mọi thứ. Bây giờ họ đang cố gắng giải phóng bảng cân đối tài chính, song tôi không cho rằng họ sẽ làm được điều đó. Khi bạn bước vào tình huống thế này, nợ cần được loại bỏ. Bạn phải thanh lý nợ và các khoản đầu tư xấu”.

Fed đã bước vào chu kỳ tăng lãi suất được hơn hai năm. Cùng với việc tăng lãi suất, Fed cũng bỏ bớt tài sản ra khỏi bảng cân đối tài chính, vốn tăng đến 4.500 tỉ USD trong thời áp dụng chương trình nới lỏng định lượng hậu khủng hoảng tài chính.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/kinh-te-the-gioi/chung-khoan-la-bong-bong-lon-nhat-lich-su-va-sap-vo-983834.html