Chứng khoán hồi phục nhờ kỳ vọng Fed giảm lãi suất

Sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ quanh 960 điểm và lùi về mốc thấp nhất tại 939 điểm, chỉ số VN-Index đã cho xu hướng hồi phục trở lại trong các phiên gần đây. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn khá yếu khi đà hồi phục không đi kèm với sự hỗ trợ của thanh khoản.

 Các cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index phiên sáng ngày 13-6. Nguồn: vietstock.vn

Các cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index phiên sáng ngày 13-6. Nguồn: vietstock.vn

Chứng khoán thế giới đảo chiều trong các phiên gần đây cùng động thái mua mạnh của các quỹ mở đối với chứng chỉ quỹ ETFVN30 là những nhân tố giúp níu giữ VN-Index.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đang có chuỗi phiên tích cực trở lại nhờ căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Mexico hạ nhiệt và kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt sau báo cáo việc làm gây thất vọng công bố hôm thứ Sáu tuần trước (chỉ có 75.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 5 thay vì mức dự báo 185.000 việc làm của giới phân tích).

Kỳ vọng giảm lãi suất của Fed không phải là thông tin mới, thậm chí nó còn là chỉ dấu cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ trong thời gian tới là khó khăn, nhưng có lẽ trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư thế giới vẫn trong trạng thái “níu kéo” pha tăng trưởng dài của kinh tế và TTCK nên thông tin này vẫn hỗ trợ được tâm lý nhà đầu tư trong một vài phiên.

Trong tháng này, Fed sẽ họp vào ngày 18 và 19. Cuối tháng 7 sẽ có cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, hiện có rất ít khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm (nếu có) ngay trong hai cuộc họp tới, mà sớm nhất cũng phải đợi đến cuộc họp tháng 9. Dự báo chung trên thị trường thế giới hiện nay là Fed sẽ cắt giảm khoảng 1-2 lần lãi suất trong năm nay và thời điểm phù hợp nhất có thể là trong cuộc họp chính sách tháng 9 và tháng 12 tới.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là thông tin đáng quan tâm nhất trong ba tuần tới. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, các chính sách áp thuế lên toàn hộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc sẽ chỉ được quyết định sau hội nghị G20 khi Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau (theo dự kiến).

Điều này đồng nghĩa với việc xung đột thương mại giữa hai nước nhiều khả năng sẽ tạm lắng, không có thêm động thái gì mới từ giờ tới cuối tháng 6. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7 tới, rủi ro chiến tranh thương mại leo thang tiếp vẫn hiện hữu do lập trường của cả Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy sự cứng rắn và đàm phán các cấp thấp hơn vẫn chưa được nối lại để giải quyết bất đồng.

Bối cảnh vĩ mô trong nước đáng chú ý trong các tuần gần đây là thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái khá dồi dào, giúp lãi suất liên ngân hàng đối với tiền đồng duy trì ở quanh mức 3%/năm. Thanh khoản tốt xuất phát từ hai nguyên nhân: tăng trưởng tín dụng thấp (mới hơn 5% trong năm tháng đầu năm) và cung tiền đồng tăng do hoạt động mua vào hơn 8 tỉ đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm tới nay (tương đương gần 200.000 tỉ đồng được bơm ra thị trường trong khi NHNN mới hút ròng về khoảng 130.000 tỉ đồng qua kênh OMO và tín phiếu).

Hoạt động mua vào đô la Mỹ để cải thiện dự trữ ngoại hối của NHNN từ trước tới nay luôn được coi là điểm cộng cho vĩ mô, nhưng sau báo cáo đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ mới đây hoạt động này trong thời gian tới sẽ phải được thực thi theo hướng thận trọng và khéo léo hơn nhằm tránh vi phạm tiêu chí can thiệp vào thị trường ngoại hối mà Mỹ đưa ra.

Việc lãi suất liên ngân hàng đối với tiền đồng duy trì ở mức thấp khiến chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng dần thu hẹp, gây rủi ro tiềm ẩn tới tỷ giá khi các ngân hàng có thể dịch chuyển vị thế sang nắm giữ đô la Mỹ. Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế liên quan đến đồng nhân dân tệ vẫn rất khó lường trong thời gian tới. Đây có thể là những lý do khiến NHNN phải sử dụng mạnh công cụ tín phiếu (có những phiên phát hành hàng chục ngàn tỉ đồng) để hút mạnh tiền đồng về trong các tuần gần đây.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289987/chung-khoan-hoi-ph%E1%BB%A5c-nho-k%E1%BB%B3-vong-fed-giam-lai-suat-.html