Chứng khoán giảm, quỹ ngoại 'bốc hơi' hàng trăm triệu USD

Tháng 10, chỉ số VN-Index giảm mạnh. Nhiều quỹ đầu tư ngoại báo hiệu quả hoạt động kém khả quan so với nhiều năm trở lại đây.

Ngày 30/10/2018, VN-Index đóng cửa ở mức 889 điểm, giao dịch ở mức P/E (chỉ số giá trên thu nhập) 15,7 lần. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong hai năm qua, thị trường hiếm khi nào giảm sâu xuống dưới mức P/E 15,6 lần. Vì thế, rất có khả năng là VN-Index đã ở ngưỡng hỗ trợ mạnh. Thực tế ở phiên ngay sau đó, VN-Index đã tăng 26 điểm với thanh khoản tăng hơn 25% so với trung bình 10 phiên trước đó.

Dư nợ cho vay mua cổ phiếu (margin) trong quý III tăng nhẹ so với quý II/2018. Mặc dù dư nợ margin đã xung quanh mức 40.000 tỷ đồng, nhưng nhiều chuyên gia dự báo, áp lực trong thời gian tới sẽ không quá căng thẳng.

Theo quy luật, thị trường chứng khoán sau những đợt giảm quá sâu sẽ luôn có sự hồi phục dù chẳng ai xác định được chính xác thời điểm. Tuy nhiên, điểm chung của sự hồi phục này là chỉ số sẽ không tăng thần tốc trở lại theo hình chữ V, mà cần nhiều thời gian. Rồng Việt cũng cho rằng, chỉ số sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018, khi đó là thời điểm then chốt để các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục.

Báo cáo tháng 10 của Quỹ đầu tư Tundra Vietnam Fund D - được xem là quỹ ngoại chuyên “đánh game” nâng hạng cho thấy, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ giảm đến 12% so với tháng trước đó và giảm 9% từ đầu năm đến nay. Trong khi chỉ số tham chiếu (FTSE Vietnam Index) có mức giảm ít hơn, lần lượt là 10,7% và 8%.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund D đều ghi nhận sự sụt giảm. Đơn cử, mã FPT chiếm 7,2% NAV, ghi nhận thị giá giảm 9,5% so với tháng 9; mã MSN chiếm 6,6% NAV và giảm giá 10,7%; mã HPG chiếm 6,4% NAV và có thị giá giảm ít nhất, nhưng cũng tới 5%. Giảm mạnh trong Top 10 tỷ trọng NAV là HSG, giảm đến 27,1% thị giá; tiếp theo mã VND giảm 20,4% và DXG giảm 19,4%.

Ngoài Top 10, cổ phiếu giảm mạnh nhất trong danh mục của Tundra Vietnam Fund D là NKG với mức giảm 33,2%. Ngoài ra, còn có PVD giảm 19,7%. Báo cáo của Tundra cho biết, sự điều chỉnh mạnh của giá dầu quốc tế và kết quả kinh doanh quý III tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của PVD và HSG.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự điều chỉnh mạnh trong tháng 10/2018, xuất phát từ sự không ổn định của kinh tế toàn cầu và mối lo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Một số công ty môi giới cắt giảm cho vay ký quỹ. Trong tháng, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 397 triệu USD, nhưng nếu loại trừ việc SK Group của Hàn Quốc mua cổ phiếu Masan thì khối này đã bán ròng 70 triệu USD trong tháng 10.

Điều đáng nói là kết quả kinh doanh quý III của một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hoa Sen, Vinamilk, VPBank, Sabeco… không đạt như kỳ vọng của nhà đầu tư. Cổ phiếu năng lượng điều chỉnh đáng kể sau diễn biến giảm của giá dầu thế giới. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng nhạy cảm với diễn biến chứng khoán toàn cầu và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trong trường hợp không có thêm các chất xúc tác thì khả năng chứng khoán Việt sẽ còn ảm đạm cho đến cuối năm. Tuy nhiên, điểm tựa của hy vọng phục hồi là mức định giá đã trở nên hấp dẫn hơn với P/E dự phóng là 13 lần. Cùng với đó, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn cho thấy bức tranh đầy đứa hẹn.

Không chỉ quỹ Tundra mất mát trong tháng 10, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - Quỹ đầu tư lớn nhất của Dragon Capital, cũng “bốc hơi” 176 triệu USD trong cùng tháng. Cụ thể, tính đến 1/11, NAV của quỹ còn 1,403 tỷ USD, giảm 11% so với đầu tháng 10.

Diễn biến hoạt động của quỹ Veil.

Trong cơ cấu tài sản, tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu bất động sản 25,19%; cổ phiếu ngân hàng 22,59%; đồ uống 14,39%; năng lượng 10,13%... Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất tại VEIL là MWG (7,97%), ACB (7,13%), KDH (5,99%), SAB (5,62%)… Tiền mặt thuần tính đến cuối tháng 10 tại Quỹ là -1,43% so với mức 0,35% hồi đầu tháng, cho thấy có khả năng VEIL vay thêm tiền để tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Ở Quỹ PYN Elite Fund, sự điều chỉnh mạnh ở các cổ phiếu HBC, HDB, MWG là tác nhân chính khiến NAV quỹ giảm 8,1%. Trong khi hai tháng trước đó, NAV của PYN ghi nhận tăng trưởng lần lượt 5,4% và 4,2%. Tính đến hết tháng 10, tổng tài sản Quỹ còn 404 triệu USD.

Chung “nỗi khổ” ngành quỹ, thị trường chứng khoán suy giảm khiến hai quỹ ETF ngoại là VanEck Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF cũng bị rút vốn mạnh. Quỹ nội VFMVN30 ETF bị rút 3,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương với 54,4 tỷ đồng.

Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 khó khăn hơn thì sao? Rồng Việt cho rằng, khả năng này là có thể, nhưng trong bức tranh chung của dòng vốn toàn cầu, các thị trường mới nổi tiềm năng vẫn có khả năng thu hút các nhà đầu tư.

Vì thế, dù thị trường chưa thấy điểm sáng, nhưng vẫn có nhiều hy vọng vào một sự đảo ngược xảy ra vào năm sau cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là quỹ, cũng như nhà đầu tư đại chúng.

Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chung-khoan-giam-quy-ngoai-boc-hoi-hang-tram-trieu-usd-248867.html