Sắn là sản phẩm chủ lực với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm

Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.

Sắn là sản phẩm chủ lực với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm. Ảnh: Minh họa

Đó là thông tin tại Hội nghị "Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 8/4/2022.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2021 diện tích sắn cả nước đạt 528.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Tổng sản lượng sắn cả nước ước đạt gần 10,7 triệu tấn với năng suất bình quân 20,3 tấn/ha. Các giống sắn được trồng phổ biến hiện nay là KM94, KM95, HLS-11, KM98-1, KM140, KM419 và KM98-7...

Đến nay, có 27 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm.

Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm từ 90 - 94%; còn lại các thị trường như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, vai trò của cây sắn không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo, mà đã trở thành loại cây hàng hóa. Để có thể phát triển bền vững cây sắn trong tương lai, ông Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm ra các giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh mới, qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất đầu vào.

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn, tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu, giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn đảm bảo an toàn môi trường. Tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.../.

Phúc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/san-la-san-pham-chu-luc-voi-kim-ngach-xuat-khau-135-ty-usdnam-103255.html