Chứng khoán Đà Nẵng (DSC): Lợi nhuận tăng trưởng 'thần tốc', cổ đông vẫn tiếp tục bán tháo

Doanh thu hoạt động 6 tháng đầu năm tăng 11 lần lên mức 35,5 tỷ đồng, Chứng khoán Đà Nẵng thu về 24,4 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 26 lần so với lãi nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên nhiều cổ đông lớn và lãnh đạo công ty vẫn tiếp tục giảm tỷ trọng sở hữu khiến cổ phiếu DSC bốc hơi hơn 50% so với đỉnh.

Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính bán niên 2018 công bố mới đây của CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (mã DSC) ghi nhận tăng trưởng đột biến về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu hoạt động đạt 35,5 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với nửa đầu năm ngoái.

Ngoài khoản lãi từ các khoản tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) giảm không đáng kể, hầu hết các hoạt động của Chứng khoán Đà Nẵng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý có nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 2,4 lần lên mức 4,5 tỷ đồng và nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán tăng hơn 29,4 tỷ đồng, trở thành hoạt động “cần câu cơm” chính với 82,8% doanh thu hoạt động của DSC.

So sánh với các công ty chứng khoán đang niêm yết, doanh thu từ mảng này thường rất nhỏ và chiếm tỷ trọng thấp. Điển hình như SSI và VCI, hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán 6 tháng đầu năm chỉ mang về lần lượt 17,5 và 10,4 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1% doanh thu hoạt động. Thậm chí HSC còn không có doanh thu tư vấn đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán cũng là nghiệp vụ có biên lãi gộp rất cao với 98% trong khi đó nghiệp vụ môi giới chứng khoán (chiếm tỷ trọng thứ 2 trong doanh thu hoạt động) chỉ đạt biên lãi gộp gần 49%.

Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động tài chính mang lại không đáng kể đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 5,3 lần so với nửa đầu năm ngoái lên mức 2,2 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng, Chứng khoán Đà Nẵng tạo ra 30,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và thu về 24,4 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 26 lần so với cùng kỳ.

Tương tự như sự tăng trưởng “phi thường” của kết quả kinh doanh, tổng tài sản của Chứng khoán Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng 42,4% so với đầu năm lên mức 90,4 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 94,6% tổng tài sản trong đó có 83,9 tỷ đồng là tài sản tài chính, tăng 25 tỷ đồng so với đầu năm. Thời điểm 30/06, DSC xác lập dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp lên đến 9,9 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của DSC đạt 85,2 tỷ đồng trong đó vốn góp lên đến 60,5 tỷ đồng. Ngoài ra, DSC cũng tích lũy được 24,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 0,5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Trái ngược với kết quả kinh doanh, cổ phiếu DSC lại biến động khá thất thường kể từ đầu năm đến nay. Sau quãng thời gian tăng mạnh từ đầu năm, cổ phiếu DSC đạt đỉnh với giá 114.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 5 và trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất trong ngành chứng khoán lúc đó, vượt qua VCI, SSI, HCM...

Tuy nhiên, từ thời điểm cuối tháng 3, khi giá cổ phiếu DSC vượt lên khỏi vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu, ban lãnh đạo cùng các cổ đông lớn của DSC đã liên tục đăng ký bán ra. Đầu tiên là ông Nguyễn Phú Đông Hà- Chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra 162.000 cổ phiếu. Tiếp đó gia đình ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó TGĐ của DSC cũng bán ra toàn bộ cổ phiếu mà họ sở hữu.

Cổ đông lớn nhất của DSC là Vietnam Equity cũng bán ra 228 nghìn cổ phiếu DSC trong ngày 30/3. Với giá khớp lệnh trong phiên ở mức 82.5000 đồng/cổ phiếu, Việt Nam Equity thu về ít nhất 18 tỷ đồng trong giao dịch này.

Việt Nam Equity chính thức thâu tóm DSC từ tháng 7 năm ngoái sau khi mua lại 4,2 triệu cổ phần từ 6 cá nhân. Với việc sở hữu 3,6 triệu cổ phiếu DSC, tương ứng với mức giá trị đạt 216 tỷ đồng thì tài sản của Việt Nam Equity đã tăng lên đáng kể chỉ sau hơn 1 năm thâu tóm DSC.

Hiện tại, cổ phiếu DSC đã rơi hơn 50% so với đỉnh xuống chỉ còn giao dịch quanh mức 54.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường chỉ hơn 300 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-khoan-da-nang-dsc-loi-nhuan-tang-truong-than-toc-co-dong-van-tiep-tuc-ban-thao-3465014.html