Chứng khoán có triển vọng tăng điểm và sôi động

Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2020 và 2021 có triển vọng tích cực khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các nhà đầu tư trẻ và F0 là điểm nhấn cho chứng khoán giai đoạn Covid-19.

Các nhà đầu tư trẻ và F0 là điểm nhấn cho chứng khoán giai đoạn Covid-19.

Sức mạnh dòng tiền nội

Thị trường chứng khoán toàn cầu khởi đầu năm 2020 thuận lợi nhờ cú huých từ ba lần cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, giới đầu tư kỳ vọng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm thiểu tác động khi 2 nước ký thỏa thuận “đình chiến” giai đoạn 1.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi bức tranh kinh tế và thị trường tài chính thế giới năm 2020. Kinh tế rơi vào suy thoái do những biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán sau hơn 10 năm đã chấm dứt.

Sau khi giảm hơn 30% kể từ khi dịch Covid-19 được công bố và chạm đáy trong tháng 3/2020, thị trường chứng khoán toàn cầu bật tăng trở lại trên cơ sở các gói kích thích từ ngân hàng trung ương và chính phủ nhiều nước, kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch, các cổ phiếu được hưởng lợi từ đại dịch tăng giá mạnh, sự trở lại của rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cung cấp các khoản trợ cấp cho cá nhân, hộ gia đình, đẩy mạnh các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế dần hồi phục từ nửa sau năm 2020 và dự kiến sẽ quay lại lộ trình tăng trưởng bền vững từ năm 2021.

Chỉ số VN-Index đã lấy lại điểm số đã mất trong đại dịch Covid-19. Xung lực chính đến từ dòng vốn nội, chưa khi nào trong lịch sử thị trường, mối quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán lại lớn như năm nay.

Trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 tài khoản chứng khoán mới được mở, nâng tổng số lượng tài khoản trên toàn thị trường lên gần 2,7 triệu, tương đương hơn 2,7% dân số.

Dòng tiền dự kiến tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn đang phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Mạo hiểm hơn” là tâm lý đặc trưng của thời kỳ tiền rẻ và thường dẫn đến sự bùng phát của thị trường chứng khoán, cả thanh khoản và điểm số đều tăng.

10 tháng đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 6.200 tỷ đồng/phiên, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tháng 10 đạt hơn 9.000 tỷ đồng/phiên. VN-Index sau khi giảm xuống 662 điểm vào cuối tháng 3 đã hồi phục lên gần 1.000 điểm vào giữa tháng 11, tương đương mức điểm phổ biến giai đoạn đầu năm trước khi sụt giảm vì Covid-19.

Trái ngược với sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, khối nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 29.000 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE.

Tuy nhiên, nhờ các thương vụ mua thỏa thuận lớn ở một số mã cổ phiếu như VHM, MSN…, tổng giá trị bán ròng trong 10 tháng chỉ là 7.400 tỷ đồng.

Động thái bán ròng của khối ngoại không riêng ở thị trường Việt Nam, mà đó là tình trạng chung của các thị trường Đông Nam Á. Chỉ số MSCI ASEAN hiện thấp hơn trên 20% so với đầu năm, trong khi chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương và thế giới đã hồi phục, lấy lại những gì đã mất.

Năm 2021, GDP dự báo tăng 6,5%

Các yếu tố nền tảng của thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục có diễn biến khả quan.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2021 đạt khoảng 6,5% (cao hơn mục tiêu tăng 6% của Quốc hội) khi dịch bệnh được kiềm chế trên toàn cầu và nền kinh tế đi vào pha phục hồi.

Với chỉ tiêu lạm phát, áp lực dự kiến không cao do sức cầu có thể vẫn yếu, trong khi cung tiền và tín dụng ở mức độ hài hòa trong cả năm 2019 và 2020, không tạo sức ép lên lạm phát.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu hồi phục chậm sau dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu ở mức thấp, dẫn tới giá các hàng hóa cơ bản không tăng, thậm chí giảm, qua đó giảm áp lực lên lạm phát của Việt Nam, dự báo lạm phát dao động quanh mức 3,5%.

Đối với tỷ giá VND/USD, xét yếu tố cơ bản, so sánh chênh lệch lạm phát giữa hai quốc gia (Mỹ là 1,7% và Việt Nam là 3%) thì mức giảm giá hợp lý của VND so với USD năm 2021 khoảng 1,3%. Còn năm nay, tỷ giá VND/USD ước tính tăng khoảng 1%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến tăng khoảng 7%, cao hơn mức tăng của năm 2020 nhờ kinh tế toàn cầu tăng trở lại.

Cán cân thương mại giai đoạn 2012 - 2019 và dự báo 2020 - 2021 (Đơn vị: tỷ USD). Nguồn: Tổng Cục thống kê.

Trạng thái xuất siêu nhiều khả năng được duy trì, nhưng mức độ xuất siêu có thể giảm do kinh tế trong nước hồi phục mạnh khiến nhập khẩu tăng lên. Mức xuất siêu dự báo giảm về 5 tỷ USD so với mức 9 tỷ USD của năm 2020.

Các kịch bản thị trường

Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên toàn cầu về vắc-xin phòng Covid-19 đang dần xuất hiện, cùng với việc xét nghiệm và điều trị hiệu quả hơn sẽ giúp cải thiện tình hình.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất xuống mức gần như bằng không. Các nhà đầu tư tin rằng, có rất ít khả năng lãi suất sẽ tăng trong tương lai gần. Điều này làm các tài sản rủi ro như cổ phiếu duy trì sức hấp dẫn.

Đáng chú ý, với việc thị trường Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam sẽ được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên, trở thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số này, qua đó dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên sẽ chảy thêm vào chứng khoán Việt.

Ngoài ra, năm 2020, các ngân hàng phải hoàn thành một trong những yêu cầu của Thủ tướng với ngành ngân hàng trong tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 là tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.

Việc này cùng với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dự kiến được đẩy mạnh sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường.

MBS nhận định, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ kết thúc năm 2020 xung quanh ngưỡng 1.000 điểm, giá trị giao dịch giai đoạn cuối năm đạt 6.200 - 6.500 tỷ đồng/phiên.

Cho năm 2021, trong kịch bản tích cực, thanh khoản thị trường có thể đạt trên 400 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch 6.600 - 7.500 tỷ đồng/phiên, VN-Index tăng lên 1.145 - 1.175 điểm.

Trong kịch bản cơ bản, thị trường sẽ dao động phổ biến trong vùng từ 1.065 - 1.103 điểm.

Trong kịch bản thận trọng, nếu thanh khoản thị trường không giữ được mức cao như năm 2020, chỉ số có thể sẽ dao động trong khoảng 977 - 988,5 điểm.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) / Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-co-trien-vong-tang-diem-va-soi-dong-post256671.html