Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm do lo ngại bất ổn chính trị

Thị trường cổ phiếu châu Á giao dịch ảm đạm trong phiên 23/9 khi các nhà giao dịch thất vọng với kết quả vòng đàm phán thương mại cấp thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm ở phiên này trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn từ vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung - Mỹ sắp tới sau các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng vừa kết thúc trong tuần qua.

Phần lờn thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 23/9.

Phần lờn thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 23/9.

Các nhà phân tích cho rằng, trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước tình trạng bất ổn ở Hồng Kông, căng thẳng chính trị ở Trung Đông và triển vọng yếu về khả năng sớm đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số CSI300 giảm 1,5%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) hạ hơn 0,8%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng đi xuống do dữ liệu thương mại đáng thất vọng. Trong khi đó, cổ phiếu của Australia và New Zealand giao dịch khởi sắc hơn và đều tăng khoảng 0,3%.

Chỉ số MSCI của cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng sụt 0,3%, xuống còn 509,94 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này có thể vẫn ghi nhận mức tăng hơn 3% trong tháng 9.

Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa nghỉ lễ trong phiên giao dịch ngày 23/9.

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 21/9 đưa ra tuyên bố ngắn gọn rằng cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cấp thứ trưởng diễn ra trong hai ngày 19-10/9 là "hiệu quả". Thông báo cũng khẳng định vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung vẫn sẽ diễn ra tại Washington vào đầu tháng 10 tới như dự kiến trước đó.

Cuộc họp đầu tháng 10 sẽ hội tụ các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của cả hai nước, gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Giới quan sát cho rằng cuộc họp này sẽ giúp xác định liệu hai cường quốc kinh tế thế giới có đang bắt đầu tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng qua hay sẽ hướng tới mức thuế mới và cao hơn đánh vào hàng hóa của nhau.

Nhà chiến lược Michael McCarthy của CMC tại Sydney nhận xét: “Hiện đang có những lo ngại thực sự về tác động từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đối với các nền kinh tế. Các nhà đầu tư cho rằng nhiều khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải trải qua quá trình đàm phán lâu dài. Và cuộc chiến thương mại song phương nếu càng kéo dài, nó lại càng gây thêm nhiều tác động đối với kinh tế thế giới”.

Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD tăng 0,14% so với đồng yen Nhật Bản, lên mức 1 USD đổi được 107,69 yen sau khi giảm 0,5% trong tuần trước. Đồng đô la Australia, vốn nhạy cảm với rủi ro địa chính trị, tăng 0,24% lên mức 1 đô la Australia “ăn” 0,6780 USD.

Chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức 98,449 điểm.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chung-khoan-chau-a-phan-lon-giam-diem-do-lo-ngai-bat-on-chinh-tri-353198.html