Chứng khoán 27/4: Nhóm cổ phiếu BĐS Khu công nghiệp ngược dòng tăng mạnh

Đối mặt với sự quay đầu của nhóm ngành Ngân hàng, thị trường chung chọn hướng an toàn với nhiều cổ phiếu bị bán nhiều ra. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp lại tạo ra chuyển động riêng biệt.

Cổ phiếu Ngân hàng vẫn có tiếng nói quyết định tới chỉ số bởi đến cả VNM (0%), VIC (-1,1%), VHM (-0,8%) cũng đều thu mình nhượng bộ về cuối phiên. Một loạt các mã Ngân hàng đều đóng cửa giảm mạnh hơn cả phiên sáng nay: VCB (-3%), BID (-2,5%), CTG (-1,8%), MBB (-2,2%), STB (-1,2%) đều đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.

Và một lần nữa, khối ngoại lại là bên gây hoang mang cho thị trường khi bán ra nhiều mã ở trên như VCB (-107 tỷ đồng), VPB (-83 tỷ đồng), STB (-38 tỷ đồng), BID (-15,8 tỷ đồng). Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại là 463 tỷ đồng.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,76% xuống 770,77 điểm. Thanh khoản đạt 307,35 triệu đơn vị, tương đương 4.704 tỷ đồng. Mức biến động vẫn chưa khiến thị trường đánh mất xu hướng hồi phục nhưng cảm giác của nhà đầu tư lại trở nên bất an. Các mã PVD (-3,94%), SBT (-2,5%), PVT (-2,44%), DPM (-7,33%) tỏ ra sự thoái lui mạnh.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp đã tự hình thành một hướng đi tách biệt khỏi thị trường. D2D, ITA, KBC, SZL, IJC, PHR đã tăng mạnh đồng loạt dưới sự dẫn dắt của GVR (+6,93%).

Ngoài ra, DBC (+6,85%) cũng là một mã rất ấn tượng khi đã tăng lại lên 26.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch của DBC đạt tới 134 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại HNX, chỉ số HNX-Index không thể quay đầu lại, đóng cửa vẫn giảm 0,63% xuống 106,3 điểm. Các mã ACB (-0,99%), PVS (-0,85%), SHB (-1,83%) đều khuất phục trước bên bán. Thanh khoản cũng không thể cải thiện hơn, đạt 41,35 triệu đơn vị, tương đương 373 tỷ đồng.

Với UPCoM, trái lại giao dịch khá tích cực với các mã SNZ (+14,5%), PFL (+16,7%), MPC (+8,4%), VEA (+3,6%). Chỉ số UPCoM-Index đi ngược hoàn toàn với 2 chỉ số chính, tăng 0,6% lên 51,97 điểm. Thanh khoản đạt 18,62 triệu đơn vị, tương đương 256,23 tỷ đồng.

========

Cuối cùng, áp lực của nhóm Ngân hàng đã được hiện thực hóa từ sau 11h15. Một loạt các mã MBB (-1,6%), CTG (-1,3%), BID (-1,5%), STB (-0,9%) dưới sự dẫn dắt của VCB (-2,6%) đều giảm giá.

Các trụ đỡ cho thị trường lúc này chỉ còn có VNM (+1,3%), GVR (+6,9%) trong đó GVR chủ yếu chỉ tham gia dưới góc độ về mặt kỹ thuật nhiều hơn. Vai trò của GVR cũng chỉ có ảnh hưởng tới các cổ phiếu khu công nghiệp SZC (+6,9%), D2D (+4,8%), KBC (+5,42%), PHR (+3,48%), ITA (+4,85%), TIP (+6,92%).

Ngoài ra VPB (+3,66%) cũng là mã đang khá "cứng đầu" trong xu hướng giảm chung của nhóm Ngân hàng. Với các diễn biến thị trường vẫn còn có nhóm ngành dẫn dắt và chính một đại diện của Ngân hàng như VPB vẫn còn tăng, nhịp điều chỉnh của nhóm có lẽ sẽ rất khó sâu và kéo dài.

Trước mắt, Ngân hàng vẫn buộc thị trường phải thận trọng lên. Số mã giảm đã vươn lên 171 mã so với 168 mã tăng và 54 mã đứng giám tham chiếu.

Các mã NKG, C32, ANV, CMX tiếp tục là những trường hợp cá biệt nhất sàn khi tiếp tục tăng trần. Trong số này, NKG có lẽ tăng mạnh chủ yếu nhờ thông tin dự kiến sẽ trích tiền từ khoản lợi nhuận giữ lại để mua lại 10 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện mua cổ phiếu quỹ dự kiến trong quý II/2020.

VN-Index cuối phiên sáng giảm 0,36% xuống 773,88 điểm. Thanh khoản toàn sàn đang khá lớn đạt 2.911,3 tỷ đồng, tương đương 194,79 triệu đơn vị.

Còn với HNX-Index, chỉ số giảm 0,5% xuống 106,43 điểm do PVS (-0,85%), ACB (-0,49%), SHB (-1,83%) vẫn đang thể hiện bạc nhược. Thanh khoản sàn hiện chỉ đạt 25,39 triệu đơn vị, tương đương 207,26 tỷ đồng.

===========

Nhịp rướn mạnh của VNM tuần trước được xem là cú hích về mặt tâm lý. Tuy nhiên, nếu như các mã Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh trở lại sau khi kết quả của một số Ngân hàng như MBB, CTG báo giảm thì nỗ lực của VNM hoàn toàn có thể trở thành con số 0.

Trong khoảng 1 tiếng giao dịch đầu tiên, ít nhất nỗi sợ ở các mã Ngân hàng đều chưa thành hiện thực. MBB (-0,3%), CTG (0%) có xu hướng phản ứng khá hời hợt với thông tin kết quả kinh doanh. BID (-0,8%), VCB (-0,6%) trong khi đó chưa có định hướng nào lên thị trường chung.

Đáng chú ý nhất, VPB (+3,9%) có lúc lại còn tăng trần. Hiện VPB đang xuất hiện thêm thông tin sẽ mua lại 300 triệu USD trái phiếu đã phát hành.

Nhìn chung, Ngân hàng vẫn chưa phải mối nguy lúc này và nhờ đó, VNM (+1,3%), VIC (+1,1%), VHM (+1,2%) có thể tận dụng cơ hội liên thủ kéo VN-Index tăng điểm. Đã có thời điểm, chỉ số vươn tới 785 điểm tuy nhiên sau 1 tiếng, chỉ số đang có xu hướng xuất hiện một cú rung lắc. Tinh đến 10h, VN-Index chỉ còn tăng 0,28% lên 778,83 điểm.

Sắc xanh trên toàn sàn vẫn đang có ưu thế hơn với 174 mã tăng so với 120 mã giảm và 70 mã đứng giá tham chiếu. Nhóm Penny tiếp tục có các cổ phiếu tăng trần như AMD, NKG, C32.

Trong khi các mã tầm trung như FRT (+3,9%), AAA (+1,17%), KSB (+3,54%), TCH (+3,21%), CII (+3,41%), VHC (+4,22%) vẫn đang có sự mua lên rất chủ động.

Tại HNX, KLF và TAR đang là 2 gương mặt nổi loạn chen chân vào top giao dịch của sàn vượt qua các trụ cột như ACB (0%), PVS (-0,85%). Diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất rón rén và chưa thể giải ngân để định hướng cho sàn. Chỉ số HNX-Index giảm 0,28% xuống 106,67 điểm.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-khoan-274-nhom-co-phieu-bds-khu-cong-nghiep-nguoc-dong-tang-manh-3542429.html