Chứng khoán 21/8: DPM lập kỷ lục thanh khoản giao dịch

Nhóm Ngân hàng được tiếp thêm năng lượng để kéo chỉ số, VN-Index vẫn tiếp tục cải thiện được trạng thái điểm số. Nhưng đáng chú ý ở nhóm Midcap, DPM đóng phiên tăng trần và lập kỷ lục về thanh khoản.

VCB (-0,1%) hầu như không tham gia vào đóng góp cho VN-Index do phải hấp thụ lượng cổ phiếu chốt ra từ khối ngoại. Mã này bị bán ra tới 72 tỷ đồng, giá trị lớn nhất trong danh mục bán ra của khối ngoại. Khối này đã trở lại bán ra 245 tỷ đồng cả phiên hôm nay.

Tuy vắng mặt VCB, nhóm Ngân hàng vẫn tiếp tục xoay sở khá tốt. CTG (+4,3%) cũng cố ngôi vị thủ lĩnh với việc chốt phiên giao dịch 230,51 tỷ đồng. Trong khi đó, VPB (+2,58%), STB (+3,76%) cũng có trên 100 tỷ đồng khớp lệnh về cuối phiên.

Các mã MBB (+1,5%), BID (+1,83%), TCB (+1,75%) đều làm tròn vai trò thu hút sự quan tâm vào Ngân hàng. Nhờ đó, VN-Index cuối phiên vẫn cải thiện điểm số trong phiên chiều. Chỉ số đóng cửa tại 854,78 điểm (+0,77%).

Sự xuất hiện của tiền lớn cũng tiếp tự tin cho nhiều cổ phiếu. DPM (+6,94%) cuối cùng đã đóng cửa trong thái tăng kịch trần sau khi giao dịch tới 13,07 triệu đơn vị, tương đương 197 tỷ đồng.

Với kết quả giao dịch này, DPM cũng có một phiên giao dịch lịch sử khi đây là mức thanh khoản cao nhất từ trước đến nay của cổ phiếu này.

Theo thống kê, cả HOSE đã có được 10 mã giao dịch trên 100 tỷ đồng. Đây là những dấu hiệu rất rõ cho sự hứng khởi của dòng tiền khi đã được cởi trói tâm lý sau phiên đáo hạn phái sinh.

Tất nhiên, để so sánh với những phiên giao dịch ấn tượng trong thời kỳ giãn cách xã hội, giao hiện tại vẫn rất khó để vượt qua. Thanh khoản HOSE chỉ dừng ở mức 286 triệu đơn vị, tương đương 4.958 tỷ đồng trong đó có 495 tỷ đồng thỏa thuận.

Thị trường dù tràn ngập trong sắc xanh (302 mã tăng so với 84 mã giảm và 66 mã đứng giá) nhưng các cổ phiếu rất phải ganh đua nhau mới được nhận được sự quan tâm. Các mã vốn hóa trung bình và nhỏ như TCM (+4,15%), BMP (+3,44%), VCI (+4,4%), KDC (+3,3%), BFC (+3,55%), IMP (+3,92%), HT1 (+3,2%), VHC (+3,75%), LHG (+3,5%), KSB (+5,09%) đều phải có câu chuyện liên quan đến nội tại doanh nghiệp mới có được sự bật tốt hơn thị trường chung.

Trên HNX, ACB (+1,92%) không còn bàng quàng trước những biến động tích cực của cổ phiếu Ngân hàng. Mã này kết hợp cùng VCS (+4,26%), PVS (+1,7%) giúp HNX-Index thoát khỏi sự giằng co. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 1,2% lên 122,64 điểm. Thanh khoản sàn đạt 43,83 triệu đơn vị, tương đương 488,4 tỷ đồng.

Trên UPCoM, LPB (+1,1%) và VIB (+1%) cũng không nằm ngoài xu hướng và đã kéo UPCoM-Index tăng 0,26% lên 57,39 điểm. Tuy nhiên, nhìn chung sàn vẫn có phần kém sôi động khi các cổ phiếu Midcap và Penny tại HOSE và HNX lúc này mới là tâm điểm chú ý.

Thanh khoản sàn đạt 31,05 triệu đơn vị, tương đương 328 tỷ đồng.

NGÂN HÀNG NHIỆT TÌNH HƠN, VN-INDEX VƯƠN LÊN 852 ĐIỂM

Phần lớn chứng khoán châu Á đều tăng trong phiên sáng. Một số chỉ số đã tăng được trên 1% như HSI (+1,25%), KOSPI (+2,12%), TWII (+2,05%). Vì vậy chứng khoán Việt Nam cũng phải hưởng ứng theo.

Nhóm Ngân hàng đang tham gia quyết liệt hơn với CTG (+3,86%), BID (+1,7%) đều vươn lên. Các mã VPB (+2,11%), TCB (+1,5%), STB (+1,4%), MBB (+0,9%) tiếp tục ghi nhận sự lan tỏa.

Tuy nhiên, để thị trường Việt Nam có thể sáng ngang của các chỉ số tăng tốt trong nhất trong khu vực, nhóm Ngân hàng vẫn cần thêm lượng tiền lớn hoặc một sự hỗ trợ mới từ các trụ còn lại như VIC (+0,2%), VNM (0%), VHM (-0,5%).

Tạm thời, CTG mới là cổ phiếu duy nhất có được dấu hiệu hiệu tiền vào rõ rệt khi giá trị giao dịch đã vươn lên dẫn đầu (+160 tỷ đồng), vượt qua DPM.

Trong khi đó ở các mã Midcap và Penny, đã ghi nhận thêm cổ phiếu Chứng khoán với VCI (+3,16%), SSI (+1,4%), HCM (+1,7%), Dệt may với TCM (+3%), Thủy sản với VHC (+3,5%), Xi măng với HT1 (+2,5%), Điện với NT2 (+2,96%) khởi sắc lên.

Sắc xanh cuối phiên sáng đang trở lại lấn lướt với 239 mã tăng so với 114 mã giảm và 74 mã đứng giá tham chiếu. Chỉ số VN-Index đã vươn lên 852,07 điểm (+0,46%). Thanh khoản có sự cải thiện khi đạt 148,58 triệu đơn vị, tương đương 2.523 tỷ đồng trong đó thỏa thuận là 196 tỷ đồng.

Hiện khối ngoại đang trở lại bán ròng sau phiên mua vào đột biến VHM. Họ rút ra 104,1 tỷ đồng trong đó VCB (-32,3 tỷ đồng), HPG (-28,9 tỷ đồng) bị rút ra mạnh nhất khiến thị giá khó tăng.

Trên HNX, chỉ số tiếp tục lình xình khi PVS (0%), ACB (0%), SHB (0%) đồng loạt bị thờ ơ. Chỉ số HNX-Index chỉ tăng 0,34% lên 121,59 tỷ đồng. Giá trị giao dịch mới đạt 244 tỷ đồng.

DPM LÀM DẬY SÓNG NHÓM PHÂN BÓN

Cổ phiếu Ngân hàng tăng khá hụt hẫng trong phiên hôm qua nhưng đến sáng nay vẫn tiếp tục cố gắng ghi dấu ấn ở nhóm trụ. Các mã Ngân hàng có sở hữu nhà nước là CTG (+1,72%), BID (+0,5%) đang tăng trở lại, kiêm luôn vai trò đầu tàu kéo điểm cho VN-Index. Các mã TCB (+1%), VPB (+1,2%) cũng đang bám sát chuyển động dòng tiền.

Tuy nhiên, nhóm hứng khởi nhất vẫn là các Midcap và Penny. Một số còn đang có mức tăng trên 5% như DPM (+5,7%), KSB (+5,47%), DPM (+5,7%), BIC (+5,4%), DRH (+5,1%), QBS (+6,9%). Đặc biệt nhất là trường hợp của DPM ghi nhận sự tăng vọt về giá trị giao dịch, đạt gần 90 tỷ đồng đứng đầu toàn sàn.

Nhóm Phân bón vẫn được đánh giá là một trong những nhóm ngành hưởng lợi từ sự đứt đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Phân bón đều rất khả quan trong quý II/2020. Vì vậy, ngoài DPM, DCM (+3,7%), BFC (+3,9%) cũng đang không ngần ngại tiến lên.

Tính đến 10h, VN-Index đã trở lại ngưỡng 850 điểm, giá trị giao dịch đang đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên HNX, sự hụt hơi của ACB (0%) đã khiến HNX-Index khó khăn hơn trong việc tăng điểm. Chỉ số liên tục lình xình quanh 120 điểm. Giá trị giao dịch hiện mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//chung-khoan/chung-khoan-218-dpm-lap-ky-luc-thanh-khoan-giao-dich-3550543.html