Chứng khoán 21/5: Phe long gây sốc trên thị trường phái sinh, VN-Index tăng gần 10 điểm

VN-Index và VN30 chùng xuống rồi bất ngờ đóng cửa cao nhất phiên khi cầu ATC bất ngờ ập vào. Trên thị trường phái sinh, VN30F2005 đã bất ngờ vọt tăng lên tới 864 điểm bỏ xa cả điểm số VN30 gần 50 điểm.

Các phiên đáo hạn phái sinh luôn đầy những kịch tính với nhà đầu tư. Trong chiều nay, thị trường đã có những rung động đáng nhớ ở nhóm VN30.

Cụ thể, một loạt các mã Ngân hàng đã có những diễn biến khá sóc khi được kéo lên rồi chùng xuống về cuối phiên khớp lệnh. BID có lúc được kéo lên 40.100 đồng/cổ phiếu rồi lại tụt về 39.500 đồng/cổ phiếu. VCB cũng bị kéo về 80.300 đồng/cổ phiếu.

MBB tưởng như thoát khỏi vùng giá lình xình quanh tham chiếu để đạt mức cao nhất trong phiên 17.650 đồng/cổ phiếu thì ngay sau đó bị kéo trở lại. Điều này diễn ra tương tự tại CTG, VPB.

Tuy nhiên, tới phiên ATC, nhà đầu tư đã không thể ngờ rằng kịch bản các cổ phiếu lớn tổng lực kéo lên lại xuất hiện. Ngân hàng và một loạt cổ phiếu trong VN30 tăng lên mức giá cao nhất trong phiên như VIC (+1,4%), VCB (+2%), MBB (+1,7%), BID (+1,4%), SAB (+2%), TCB (+4,5%), FPT (+0,8%). HDB và EIB thậm chí còn được kéo trần.

VN30 bất ngờ từ tham chiếu được kéo lên mức cao nhất phiên là 815,55 điểm (+1,52%). Tuy nhiên, tại thị trường phái sinh, biến động còn gây ngỡ ngàng hơn nữa. VN30F2005 đã chốt phiên bằng việc 3.603 đơn vị được khớp trong phiên ATC, đóng cửa tại 864 điểm, cao hơn VN30 tới gần 50 điểm. Trong khi đó, VN30F2006 lại không có nhiều đột biến giảm 13 đơn vị xuống 786 điểm.

Nhịp kéo bất thường HĐTL VN30 rõ ràng có lợi với nhà đầu tư giữ vị thế long cho đến hết phiên và kịp mở vị thế short trong phiên ATC. Tuy nhiên, đây vẫn là những biến động thực sự đầy khó lường của thị trường phái sinh.

Với các cổ phiếu còn lại trên thị trường cơ sở, giao dịch tỏ ra khá mờ nhạt. Nhìn chung, dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng án binh bất động trong chiều nay.

Cuối phiên, VN-Index tăng 1,15% lên 862,73 điểm. Thanh khoản toàn HOSE đạt 331,9 triệu đơn vị, tương đương 5.468 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận hôm nay chỉ đạt 632 tỷ đồng.

So với các thị trường chứng khoán khu vực, VN-Index đã có phiên tăng vượt ngoài xu hướng chung. Các chỉ số NIKKEI 225 (-0,21%), HSI (-0,55%), Shenzhen (-0,95%) đều giảm điểm.

Trong khi đó tại HNX, SHB (-8,4%) dù thoát giá sàn nhưng vẫn giảm mạnh và tiếp tục cản trở chỉ số. HNX-Index đóng phiên giảm 1,12% xuống 105,74 điểm. Thanh khoản đạt 76,4 triệu đơn vị, tương đương 854 tỷ đồng.

Còn với UPCoM, giao dịch trở nên kém sôi động do thị trường quá tập trung vào HOSE. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,56% lên 54,31 điểm. Thanh khoản sàn đạt 15,37 triệu đơn vị, tương đương 254,95 tỷ đồng.

========

Câu chuyện chỉ số hiện vẫn chỉ xoay quanh chính các mã trụ và các được chú ý hơn trong ngày đáo hạn phái sinh. Nếu như VHM (+0,8%), VRE (-0,8%) tự giải quyết việc kéo điểm số ngày hôm qua thì sáng nay lực cầu vào đều có biểu hiện nguội đi. Càng về cuối phiên sáng, cả 2 lại càng có biểu hiện lùi lại nhường "đất diễn" cho các mã khác đã nghỉ ngơi trước đó.

Nhóm Ngân hàng có sự khẩn trương nhất. VCB (+1,4%) đang được kéo lên mức cao nhất phiên sáng và CTG (+1,6%), BID (+1,5%) cũng thể hiện rất tích cực.

Thêm vào đó, sự luân chuyển của cổ phiếu trụ còn được hỗ trợ bằng SAB (+2,4%%) dù cho cổ phiếu này chỉ giao dịch chưa đến 10 tỷ đồng. Nhờ đó, VN-Index chỉ trở mình trong sắc xanh thay vì bị kéo xuống vùng giá đỏ.

Chỉ số cuối phiên sáng tăng 5 điểm, lên 857,91 điểm. Thanh khoản đạt 172,9 triệu đơn vị, tương đương 2.694 tỷ đồng, trong đó thỏa thuận chỉ có 301 tỷ đồng.

Đã có 3 mã giao dịch được trên 100 tỷ đồng trong sáng nay, đứng đầu là HPG (166 tỷ đồng), sau đó là DBC (125 tỷ đồng) và CTG (107 tỷ đồng). Ngoại trừ HPG giảm nhẹ thì 2 mã DBC và CTG đều đang được kéo lên, tăng lần lượt 5,57% và 1,57%.

Khối ngoại hiện cũng đang mua ròng gần 5 tỷ đồng. 3 mã được giải ngân tốt nhất đều là những gương mặt khá quen thuộc và có tính ảnh hưởng cao là VNM (+38 tỷ đồng), FUEVFVND (+34,5 tỷ đồng), VCB (+23,5 tỷ đồng)

Dù vậy, câu chuyên tích cực của Ngân hàng vẫn chưa có nhiều giá trị với HNX. SHB (-9,92%) vẫn bị chất bán sàn khiến cho dòng tiền không quá vội vàng đẩy vào ACB (0%), NVB (-1,25%). Chỉ số HNX-Index giảm 1,62% xuống 105,21 điểm. Thanh khoản sàn đạt 30,1 triệu đơn vị, tương đương 298 tỷ đồng.

========

Trong ngày đáo hạn phái sinh, VN30 vẫn chưa có những biến động tiêu cực nào. Chỉ số VN30 mới chỉ có một nhịp rung lắc nhẹ và nhanh chóng bật tăng trở lại. Số mã tăng đang gấp đôi số mã giảm (18 mã tăng so với 9 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu).

Trong rổ, lúc này, ROS (+3%) đang là cổ phiếu dẫn đầu đà tăng nhưng các mã SAB (+2,1%), BID (+1,5%), BVH (+1,6%), CTG (+1,6%) cũng hầu như không quá thua kém.

Sự hiện diện của nhóm Ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng nhất khi có cả CTG, BID, VCB, STB, MBB cùng tăng nhẹ. Nhờ đó, VHM (+1,2%) không còn phải quá khẩn trương sau phiên bứt phá ngày hôm qua.

Hiện thông tin Vinhomes sẽ trình cổ đông kế hoạch năm 2020 với 31.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 27% so với thực hiện năm trước vẫn đang ít nhiều còn giá trị với biến động giá của VHM.

Việc VRE (-0,6%) điều chỉnh lúc này không thực sự đáng lo với nhà đầu tư khi các mã lớn trên đều tham gia hỗ trợ cho chỉ số.

Trên toàn sàn, tính lan tỏa được ghi nhận rõ nét khi một loạt các cổ phiếu từ các nhóm ngành khác nhau đang tăng giá như BFC (+4%), DBC (+3,1%), KDC (+6,63%), FRT (+5,56%), DXG (+2,29%), PHR (+1,88%), GVR (+1,56%).

Tính đến 10h, VN-Index tăng lên 855 điểm. Trong khi đó, HNX-Index vẫn chưa thể ngóc lên khi SHB (-9,9%) chưa thoát được lực bán chốt lời mạnh. Chỉ số HNX-Index giảm xuống 105,16 điểm.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//chung-khoan/chung-khoan-215-cac-tru-dang-luan-chuyen-muot-ma-ngan-hang-the-chan-vhm-va-vre-3544581.html