Chứng khoán 21/10: Ngân hàng kéo chỉ số về vùng nhạy cảm

Trạng thái của VN-Index và VN30 đang rơi vào vùng nhạy cảm về tâm lý sau phiên hôm nay. Nếu như VN-Index để thủng vùng 980 hay VN30 thủng vùng 915 điểm, thị trường có thể sẽ điều chỉnh khá mạnh.

Cuối phiên, VN-Index đã đóng cửa tại 983,56 điểm (-0,57%) còn VN30 giảm 0,56% xuống 914 điểm.

Nếu VNM (+1,16%) không gồng mình tăng giá thì thiệt hại phiên hôm nay có lẽ sẽ còn nhiều hơn.

Tuy nhiên, vai trò của VNM ở thời điểm này khó có thể sánh ngang với nhóm ngân hàng.

Một loạt các mã như MBB (-1,52%), VPB (-2,01%), CTG (-0,93%), BID (-1,25%), TCB (-2,05%), VCB (-0,82%) đã đóng góp rất nhiều về giao dịch cho thị trường.

Chính sự điều chỉnh của Ngân hàng là phát động đợt giảm ở hàng loạt cổ phiếu như LDG (-3,29%), HSG (-3,04%), NLG (-2,09%), BMP (-1,5%), MSN (-1,58%), NLG (-2,09%). Ngay cả, HAX (-3,2%) cũng đã bỏ dở luôn xu hướng tăng mạnh để có một phiên điều chỉnh.

Toàn HOSE khép lại có tới 173 mã giảm so với 135 mã tăng và 62 mã đứng giá tham chiếu. Các mã trụ lại tăng mạnh đều là những trường hợp cá biệt như FLC, FTM, EVG, AMD, SKG.

Tại HNX, các mã quan trọng nhất như ACB (-2,07%), SHB (-1,52%), TNG (-4,17%) đều khớp phiên trong tâm lý có phần bi quan. HNX-Index mất tới 1,39% xuống 104,01 điểm. Thanh khoản đạt 29,75 triệu đơn vị, tương đương 343 tỷ đồng.

Tại UPCoM, SDI (+14,9%) tăng mạnh nhờ thương vụ hoán đổi cổ phiếu với VIC, qua đó tác động vào chỉ số UPCoM-Index tăng 0,25% lên 56,6 điểm. Tuy nhiên nhìn chung các diễn biến tài sàn khá ảm đạm khi VIB (-2,8%), VGI (-1,9%), VEA (-1,9%), VTP (-0,9%) đồng loạt giảm. Thanh khoản sàn đạt 8,82 triệu đơn vị, tương đương 182,35 tỷ đồng.

....................................

VCB đã có lúc giảm tới 1,7% xuống 83.600 đồng/cổ phiếu, BID cũng có lúc giảm tới 2%. Trong khi VHM cũng có lúc giảm 1,7%.

Trước mắt, lực cung hiện tại chưa đáng ngại và VNM vẫn duy trì sự dẫn dắt nhưng thị trường sẽ còn phải đánh giá thêm sức mạnh của dòng tiền bán ra.

Tính đến 13h30, VN-Index giảm về 985,4 điểm trong khi HNX-Index giảm 104,23 điểm.

.............................

Áp lực chốt lời với Ngân hàng vẫn kéo dài cho đến hết phiên sáng. VCB (-0,82%), BID (-1,37%), MBB (-0,43%), VPB (-2,46%), TCB (-1,23%) một loạt đều giảm giá trong đó VPB bị bán ra mạnh nhất với giá trị giao dịch hiện đạt 88 tỷ đồng, đứng thứ 3 tại sàn.

Trong khi đó, VHM (-1,38%) cũng quấy nhiễu tới chỉ số khi mã này chỉ giao dịch chưa đến 10 tỷ đồng nhưng lại có ảnh hưởng khá lớn.

Vai trò của VNM (+1,66%) do vậy đang trở nên rất cần thiết và mã này tiếp tục không làm nhà đầu tư phải thất vọng. Ngoài việc tăng giá tốt, dòng tiền lớn cũng đang đổ về vào kịp thời, giúp giá trị của VNM đạt 184 tỷ đồng, đứng đầu sàn.

Việc phân hóa giữa các cổ phiếu lớn đã kéo theo sự phân hóa của nhóm vốn hóa top dưới thể hiện rõ. FLC (+6,91%), AMD (+6,96%), SKG (+6,91%), HAI (+6,74%), SZL (+4,96%) tăng tương phản rõ rệt với trạng thái của LDG (-4,69%), DBC (-4,4%), HSG (-2,6%), DPG (-5,16%).

VN-Index cuối phiên giảm 0,09% xuống 988,31 điểm. Thanh khoản đạt 99 triệu đơn vị, tương đương 1.806 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,78% xuống 104,66 điểm. THanh khoản đạt 18 triệu đơn vị, tương đương 174 tỷ đồng.

..............................

Xu hướng đi ngang đã được thừa nhận trong các bản tin của các công ty chứng khoán gửi đi ngày cuối tuần. Và lúc này sự luân chuyển dòng tiền giữa các cổ phiếu sẽ cần phải lưu ý hơn.

Một bên, nhóm Ngân hàng có thể sẽ còn tiếp tục điều chỉnh nhưng diễn ra theo chiều hướng lành mạnh không gây cú sốc tâm lý. Trong khi đó, VNM vẫn cần duy trì được các diễn biến tích cực như một vài phiên gần đây. Có như vậy, VN30 cũng như VN-Index mới có thể tạo được một nền đủ tốt để tiếp tục tiến xa hơn. Các phiên giao dịch đầu tuần sẽ là bài thử nghiệm quan trọng với thị trường.

Bên cạnh đó, câu chuyện tăng giá của 2 mã FLC, HAX có lẽ sẽ vẫn rất đáng chú ý. Trong tuần qua, FLC đã tăng tới gần 40% còn HAX đã tăng được 31%, qua đó trở thành 2 gương mặt nổi bật nhất 2 sàn.

Mở cửa phiên ngày thứ Hai, HĐTL VN30F1911 giảm nhẹ xuống còn 920,5 điểm, qua đó bên mở vị thế short vẫn chưa thực sự lấn lướt. So với mức tham chiếu của VN30 là 919,13 điểm, HĐTL tháng 11 vẫn đang cao hơn 1 điểm.

Còn VN-Index cũng ghi nhận áp lực của các cổ phiếu Ngân hàng ngay từ đầu phiên. Lực chốt lời đã kéo một loạt các cổ phiếu ngành này đi xuống. Cho đến 9h40, VCB (-0,6%), BID (-0,5%), MBB (-0,4%) đều đang giảm nhẹ.

Tuy nhiên, VNM (+1,4%) vẫn là vị "cứu tinh" quan trọng vào thời điểm này. Dù bị nhúng xuống nhưng VN-Index cũng có dấu hiệu bật lại khá nhanh. Chỉ số chỉ giảm 0,2% xuống 987,25 điểm.

Tại nhóm vốn hóa thấp hơn, HAX (+3,2%) tạm thời đã có lực chốt lời nên giá chưa thể tiếp tục tăng mạnh như các phiên trong tuần vừa qua. Trong khi đó, FLC hiện không hề có dấu hiệu dừng bước khi lại tăng trần lên 4.950 đồng/cổ phiếu. Sau khi đã khớp 8,7 triệu đơn vị, FLC đang được chất mua giá trần tới 10,5 triệu cổ phiếu.

Một số cổ phiếu khác cũng đáng chú ý là DPG (-3,84%), DBC (-4%). Kết quả kinh doanh đang chi phối tâm lý nhà đầu tư tại 2 mã này, DPG lỗ 29,3 tỷ đồng trong quý III. Trong khi đó, Dabaco chỉ lãi trong quý III/2019 là 19 tỷ đồng, bằng 1 phần 8 mức lãi hơn 154 tỷ quý III/2018.

Tại sàn HNX, ART (+10%), KLF (+7,7%) đang theo bước FLC tạo nên đợt sóng nhỏ bất chấp các mã lớn tại sàn giảm giá. Hiện ACB (-1,66%), SHB (-1,52%), PVS (-0,54%) đều đồng loạt mất giá khiến cho HNX-Index rơi xuống dưới 105 điểm.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/chung-khoan-2110-ngan-hang-thuc-su-duoc-thu-thach-trong-phien-chieu-3524653.html