Chung kết AFF Cup 2018: Liệu Việt Nam có hóa Rồng?

Ngày 15/12 này, trận đấu lượt về trên 'chảo lửa' Mỹ Đình sẽ là trận đấu mang nhiều cảm xúc nhất cho người dân Việt Nam. Họ mong chờ thương hiệu 'Rồng vàng' của đội tuyển không chỉ là một tên gọi.

Đến tận bây giờ, người hâm mộ vẫn chưa nguôi ngoai sau trận đấu trên sân Bukit Jalil của thầy trò huấn luyện viên Park – Hang – Seo. Đây được coi là trận đấu nhiều cảm xúc thăng hoa lẫn tiếc nuối nhất.

Cầm hòa trên sân khách với tỉ số 2-2 là một kết quả để chúng ta có quyền hy vọng về trận lượt về trân sân Mỹ Đình. Lúc này, câu chuyện về vé của trận chung kết vẫn là câu chuyện “nóng” nhất trên các diễn đàn. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận vì sao mà người hâm mộ lại “cuồng” đến thế. Bởi đó không chỉ đơn giản là một trận túc cầu, nó là trận đấu đóng “mác” thực sự cho đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Trận đấu nhiều cảm xúc giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia

Xuyên suốt trận đấu bình luận viên liên tục nhắc đến từ những chú Hổ Malay - Harimau Malaya. Tên này được đặt theo quyết định của chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia, được quảng bá một cách có hệ thống. Còn đội tuyển của Việt Nam có biệt danh là Rồng Vàng – Golden Dragons. Cái tên này đến với chúng ta một cách tự nhiên do báo giới nước ngoài và người hâm mộ trong nước đặt cho. Thoáng nghe qua có người phì cười vì nghĩ đến thương hiệu Bánh đậu xanh Rồng Vàng của Hải Dương. Nhưng có lẽ tên gọi này xuất hiện theo sự hy vọng mong mỏi của người Việt Nam với một bề dày lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước luôn khát khao mong cho Viêt Nam “hóa rồng”.

Bất kỳ ai yêu thể thao cũng hiểu rằng biệt danh có một đời sống đặc biệt trong lĩnh vực này. Logo của Manchester United, trong thập kỷ 70 còn được thiết kế theo biệt danh Quỷ Đỏ do cổ động viên gọi từ trước đó - có luôn hình con quỷ đỏ. Gần như mọi đội tuyển thể thao nổi tiếng đều có biệt danh, được quy định hẳn hoi chứ không phải tự phát. Gọi đó là văn hóa cũng được, nhưng nhìn từ chủ nghĩa thực dụng, thì nó là một biện pháp làm thương hiệu điển hình.

Logo của đội tuyển Manchester United.

Việt Nam có áo dài là quốc phục, có hoa sen là quốc hoa (đến giờ câu chuyện về quốc hoa vẫn còn là câu chuyện luận bàn). Chỉ cần nhìn bông sen trên chiếc máy bay của Vietnam Airline thì ở sân bay quốc tế nào cũng nhận ra đó là thương hiệu hàng không Quốc gia Việt Nam. Vậy đội tuyển Việt Nam có cần thiết có một “thương hiệu” hay không? Rồng vàng đã là một lựa chọn tối ưu hay chưa?

Những gì chúng ta yêu mến đội tuyển bóng đá Việt Nam trong những ngày qua không chỉ là tình yêu với thể thao mà đơn giản là sự khẳng định đẳng cấp. Với người hâm mộ trong nước thì đội tuyển đã trở thành một biểu tượng văn hóa.

Nhìn thẳng vào thực tế, sau những gì đội tuyển đã gặt hái được trong thời gian qua thì ngay sau đó các cầu thủ đã được săn đón và trở thành các thương hiệu đại diện của các hãng lớn trong nước. Câu chuyện được khai thác trong quảng cáo đều theo mô tuýp rất đặc trưng là những cậu bé nghèo từ các miền quê đã nỗ lực, bền bỉ theo đuổi ước mơ của mình và vụt sáng trở thành ngôi sao. Đó là mô tuýp rất dễ lấy được cảm tình của người Việt Nam vì đó là khát vọng luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, luôn muốn “hóa rồng”. Quảng cáo Tivi LG rất rõ lối tư duy này.

Từ đầu 2018, cùng với thành công của bóng đá nam Việt Nam, biệt danh "Golden Dragons" xuất hiện rộng khắp: ngoài báo chí thế giới, bộ phận truyền thông của AFF Cup 2018 đã thiết kế riêng một logo có hình rồng vàng phun lửa để đại diện cho Việt Nam. Sau đó biệt danh “Rồng vàng” đã bắt đầu được sử dụng như một tên gọi “chính danh”.

Logo đội tuyển bóng đá nam Việt Nam.

Biết bao nhiêu cờ đỏ sao vàng và nụ cười người Việt cùng cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên truyền thông những ngày như hôm qua? Liệu sau này chúng ta có gọi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam là “Sao vàng” thay cho “Rồng vàng” không? Màu áo chúng ta lựa chọn đã là màu đỏ như màu cờ quốc gia rồi. Giờ chỉ còn tên gọi nữa thôi để chỉ cần khi cất lên người ta đã thấy đặc trưng của quốc gia đó.

Và nếu tư duy rằng đây là chuyện làm ăn, thì ta cũng có cơ hội để nhìn lại các bộ nhận diện thương hiệu mà VFF đang thiết kế cho đội tuyển: nó đã mang hơi thở của thị trường truyền thông toàn cầu chưa? Hay thậm chí trả lời câu hỏi "Rồng Vàng" nhìn từ góc độ truyền thông và góc độ kinh tế đã đắt chưa, dùng luôn hay là lập cái mới?

Khi chúng ta tổ chức Seagame, linh vật mà chúng ta lựa chọn là hình ảnh con trâu vàng vì nó gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, quốc gia của lúa nước. Hình ảnh con trâu vàng khi đó được truyền thông rộng rãi và thân thuộc. Có khi nào VFF lại đổi biểu tượng đội tuyển bóng đá Việt Nam là “trâu vàng” hay không?

Linh vật trâu vàng tại Seagame.

Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam, đây không phải là một đơn vị cấp ban của Liên đoàn, hoạt động thuần túy là thi đấu bóng đá, với tên gọi trên giấy là "Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia Việt Nam". Đội tuyển của chúng ta cần một thương hiệu, dễ gọi và dễ nhớ để đi vào đời sống và phát huy các giá trị tích cực.

Chính vì vậy, trrong trận chung kết lượt về trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào ngày 15/12 này, chúng ta mong mỏi hơn suốt một thập kỷ qua để chạm tay vào chiếc cúp. Đó là cú chạm tay lịch sử khẳng định một vị trí mới, một đẳng cấp mới. Và sau đó là thương hiệu chính thức cho đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam, đội tuyển những chú “Rồng vàng”.

Chảo lửa Mỹ Đình gọi tên "Rồng vàng" Việt Nam.

Chúng ta mong mỏi một thươnng hiệu chính thức được thừa nhận của đội tuyển bóng đá nam. Là “Rồng vàng”, “Sao vàng”, “Trâu vàng” hay bất kỳ tên gọi nào cũng được nhưng người hâm mộ muốn trên các khán đài không chỉ là cờ đỏ sao vàng tung bay nữa mà là biểu tượng thân thương của đội tuyển. Đó là thương hiệu Quốc gia.

Lê Linh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chung-ket-aff-cup-2018-lieu-viet-nam-co-hoa-rong-141741.html