Chung cư

Chiều xuống. Hết một ngày ồn ã. Căn bếp nhỏ xinh đã gọn gàng trở lại. Trên khoảng sân đi bộ, những người già lẫn trẻ đang tranh thủ đi dạo. Thạch bỗng nhận ra mình vẫn chưa biết một người hàng xóm nào trong năm căn ở lầu mười này.

1. Thạch chỉ dám lén nhìn mẹ một cái thật nhanh lúc de xe ra cổng rồi ấn ga chạy. Không biết người ta chia tay nhau ở sân ga cái cảm giác như thế nào chứ Thạch ghét nhất lúc phải chào mẹ “đi” (vẫn là “đi”, không phải “về” – “về nhà con”).

Có đến ba mươi năm chỉ biết gọi mẹ ra đóng cổng cho đi học, đi chơi, đi làm, Thạch vẫn chưa quen với cái cảm giác chào mẹ để phải mấy hôm sau hoặc cả tuần mới lại nhìn thấy mẹ. Sao giống như người ta rứt tay một đứa bé khỏi mẹ nó (mà cái này là mình tự rứt). Nhưng vẫn chưa đáng sợ bằng cái ý nghĩ nếu sau lần này Thạch và mẹ sẽ không gặp lại nhau nữa.

Ôi phim ảnh, văn chương, chúng khiến cho đầu óc Thạch cứ hay tưởng tượng. Còn gì con chưa nói với mẹ nhỉ? Con gái mẹ giỏi lắm, mẹ đừng lo. Đã “băm” đến nhát thứ mấy rồi mà vẫn “đi sớm về khuya một mình” là bởi lũ đàn ông không đủ bản lĩnh đặt mình ngang hàng với con gái mẹ, đừng nói là cây tùng cây bách để con gái mẹ tựa vào.

Thạch vẫn sẽ khẳng định con gái hạnh phúc một mình, mà câu này thì mẹ nghe đã quen quá, và mặc dù không dám phản đối gì nhưng rõ ràng ánh mắt mẹ rất nghi ngờ.

Mẹ sanh ra và lớn lên vào cái thời ai phải “ở giá” là bất bình thường lắm, hoặc bày đặt kén cá chọn canh để rồi lúc không còn kén được nữa thì đã muộn, hoặc kiếp trước nhất định làm gì đó thất đức nên ông trời bắt tội. Hay là thời ấy đàn ông bản lĩnh, như bố vậy, nên phụ nữ chẳng ai muốn ở một mình?

Còn thời nay “con tạo xoay vần”, thành ra thời thế của các chị em nên các anh nam không ra nam, nữ không ra nữ. Bảo Thạch yêu làm sao được.

À, phải rồi, hôm qua con thấy một cái khăn lụa choàng cổ nhuộm tay bằng quả trám đẹp lắm. Chiếc khăn màu hồng phấn, không phải màu đỏ mà mẹ thích nhất, nhưng con chắc mẹ sẽ tự hào quấn nó mỗi khi về quê bố – “Cái Thạch nó mua ấy mà!”.

Mà kể cũng lạ, những đồng nghiệp nước ngoài của Thạch đều rất hiền hòa, dễ mến, nhưng cố mãi Thạch cũng không lý giải được tại sao họ vẫn đưa bố mẹ vào những nhà “tế bần” (Thạch ưa dùng từ này để nhấn mạnh tính chất “nghiêm trọng” của sự việc). Vẫn biết họ quan niệm đưa bố mẹ vào đấy sẽ yên tâm hơn vì có người chăm sóc hẳn hòi, thế nhưng Thạch vẫn thấy khó quen với suy nghĩ ấy.

Rồi tối nào trước khi chìm vào giấc ngủ Thạch cũng suy nghĩ mông lung, mong sao ra đường ai cũng chạy xe cẩn thận đừng để tông vào mình, mong cho ở nhà đừng xảy ra chập điện, cháy nổ gì, để Thạch lại được lén nhìn mẹ.

2. Điện thoại. Thạch buông sách nhìn đồng hồ. Gần mười một giờ đêm. Giờ này ai còn gọi nhỉ?

– Đang làm gì?

– Đọc sách. Định đi ngủ.

– Đói quá. Mà tự nhiên thèm ăn ốc bên quận 5.

– Quận 5 hả? Tôi khoái chè mè đen mà chẳng biết chỗ nào ngon.

– Hỏi tôi nè. Để tôi dẫn bà đi. Ăn ốc xong rồi ăn chè mè đen.

Lâu lắm rồi Thạch không ra ngoài trễ như thế này. Nhiều năm trước, lần đầu tiên được lũ đồng nghiệp kéo đi nhảy nhót ở bar, đi ăn khuya, Thạch thậm chí ghiền cái cảm giác được ở ngoài đường lúc trời đã chuyển se se lạnh, phố xá vắng tanh chỉ còn những kẻ ham vui như Thạch và những người lao công lặng lẽ.

Bước ra khỏi cửa quán bar, hai tai Thạch như đóng băng sau những âm thanh có sức công phá thính lực cực đại, những câu nói của người quen lẫn lạ cứ trôi tuột đi, tan vào nhau bồng bềnh. Phấn khích. Cái tuổi đôi mươi ấy vẫn khiến con người ta thích nổi loạn, dù chẳng nguyên do gì, cũng chẳng biết để làm gì.

– Ngon không?

– Ngon.

– Tôi nói rồi mà. Bữa nay tôi sẽ dẫn bà đi khám phá quận 5. Hồi nãy gọi cho mấy đứa, đứa thì lười, đứa thì chồng con. Tôi nghĩ bà còn độc thân, chắc chịu đi.

– Ừ, nhưng nếu còn ở nhà (bố mẹ) chắc cũng không đi đâu. Ngại lắm. Lâu lắm rồi không ra khỏi nhà giờ này. Nam bằng tuổi Thạch.

Biết nhau chưa lâu, lại từ quan hệ chủ – khách hàng nhưng có lẽ do cùng sanh ra dưới cung Thiên bình, cung của những kẻ tự do phóng khoáng có thiên hướng nghệ sĩ nên nhanh chóng thân thiết.

Thạch vừa chuyển về đây, gần nhà mẹ con Nam thì cô bạn đồng cung lại dọn sang quận 4, thuê một căn ở với anh bạn trai lâu năm. Trông nó hạnh phúc dù công việc quản lý cửa hàng riêng đầu tắt mặt tối.

Thạch vẫn phục nó vì khả năng tự lập cao, không như Thạch dù được tiếng giỏi giang vẫn chỉ là người làm công ăn lương.

– Dạo này sao, vui không?

– Vui. Mà buồn cười thật. Hồi trước mỗi lần Abe bận công việc tôi cứ ngồi ở nhà trông, xong việc anh gọi là tôi chạy đến liền. Tôi thích đi với anh ấy chứ không thích đi với bạn. Giờ thì tôi thích như thế này hơn, ngồi ăn ốc với bà chẳng hạn. Mà chắc vậy nên hình như anh ấy dễ nhớ tôi hơn.

– Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo. Người ta vẫn nói yêu cũng phải có “chiến thuật” nữa đấy.

– Tôi chẳng “chiến thuật” gì đâu. Hình như đến cái tuổi này tự nhiên nó vậy thôi. Điện thoại. Nam thò tay vào giỏ tìm máy. Thạch nghe nó líu lo nhưng nhanh gọn trên điện thoại, bảo Abe cứ về nhà trước rồi kết câu: “Yêu anh”.

Thạch mỉm cười. Những kẻ đang yêu có khác.

Quá nửa đêm mà cái quán ốc có tiếng bày bàn ăn kín hè đường vẫn đông khách. Người ăn mặc xuề xòa, kẻ ăn diện điệu đàng. Bên phải Thạch, một bàn hai người đang “phân tích” vấn đề gì không rõ nhưng nét mặt cả hai trông rất nghiêm trọng. Dĩa ốc len chưa thấy bị sẻ ra con nào.

Phía bên kia một nhóm thanh niên trẻ đang ăn uống, trò chuyện rất xôm tụ, liên tục gọi thêm món.

Người phụ nữ ở bàn đôi nhắm chừng hơn Thạch chỉ vài tuổi nhưng trông không còn gọn nữa, trong khi những cô gái trẻ bên kia ăn uống nhiệt tình mà cô nào cũng ốm nhom. Thạch vốn sợ mập, nhưng dĩa ghẹ xào me ngon quá. Thôi thì tự nhủ sáng mai thế nào cũng phải dậy sớm đi bơi, “tăng cường” thêm mười phút nữa bù cho cái khoản năng lượng thừa đang nạp vào.

Khuya. Hôm nay trời đứng gió nên nực. Không biết có phải vì vậy mà Thạch không còn cái cảm giác phấn khích một cách kỳ lạ như cách đây vài năm nữa, dù bây giờ đi chơi khuya thế này không còn phải lo về nhà lũ chó mừng chủ sủa ầm lên đánh thức cả nhà dậy, rồi Thạch sẽ rón rén đi lên lầu trong bóng tối, để nguyên quần áo đặc mùi khói thuốc và cồn nằm luôn đến sáng.

3. Khu chung cư mỗi dãy cách nhau chỉ vài chục mét. Cái khoảng cách đủ để Thạch ngồi thu gối bên cửa sổ có thể quan sát được những sinh hoạt gia đình đang diễn ra bên trong những căn ở dãy đối diện.

Căn trực diện có cô con gái tuổi “teen” hay “tám” điện thoại với ai đó (bạn trai, 99,9%!). Hình như trong lúc nói chuyện điện thoại người ta thường không ý thức được những hành động của mình. Có lần Thạch thấy cô bé đứng hẳn lên bệ cửa sổ, người dài ngoằng sắp đụng cả trần, say sưa nói chuyện. Một lúc sau ngẩng lên, cô bé (chắc mỏi chân) đã ngồi xuống, con gấu bông to đùng nằm vắt ngang lòng.

Thạch lại chúi mũi vào cuốn sách, đến lúc mỏi mắt nhìn lên thấy cô bé vẫn chưa buông điện thoại, nhưng lần này là tư thế nằm, chân vắt chữ ngũ ra chiều hào hứng lắm. Đừng nói là bằng tuổi cô bé, cho đến bây giờ nếu Thạch nấu cháo điện thoại kiểu ấy thể nào mẹ Thạch cũng sẽ càm ràm.

Một căn ở tầng thấp hơn có chiếc đèn ngủ bên cửa sổ hôm nào cũng sáng đến rất khuya nhưng chưa bao giờ Thạch vô tình thấy được chủ nhân. Ánh đèn vàng dìu dịu hắt ra từ chóa đèn, hẳn là bằng vải, in bông nền nã vẫn hút cái nhìn tò mò của Thạch mỗi tối. Nhưng lần nào cũng vậy, Thạch chỉ thấy nó khi đã tỏa ánh sáng dìu dịu. Và khi Thạch mở mắt dậy từ sáng sớm thì tấm màn cửa của căn ấy đã kéo lại từ khi nào.

Hôm qua Thạch còn thấy cặp vợ chồng ở căn chếch góc cãi nhau vẻ như căng lắm. Người vợ cầm cả bình hoa còn đầy bông ném xuống đất rồi lao vào phòng (không thấy được nữa), còn người chồng ngồi thừ bên bàn đến tận khuya.

Thạch thích ngồi bệt trên sàn gỗ của cái ban công bé tẹo ăn vặt. Khổ nỗi từ hôm đang quẹt mật ong trong hũ, vừa ngẩng mặt lên cho tay vào miệng mút ngon lành thì thấy có anh Tây nhà ở tầng cao hơn đang trợn mắt nhìn, Thạch bỏ luôn cái thú ấy, đành ngồi nhích vào trong bếp một chút nhấm nháp bánh quy với tách trà. Ừ thì vẫn nhìn thấy một chút bầu trời thông thoáng qua ô trống ban công mà không sợ bị ai đó “quan sát”.

Chà, ở chung cư hóa ra cũng khổ, nếu muốn riêng tư hoàn toàn chắc Thạch ngộp đến chết mất.

Minh họa Hoàng Tường.

Minh họa Hoàng Tường.

4. – Calvin! Thạch vẫn bước, miệng tủm tỉm cười một mình. Con chó ngao hiền lành mừng rỡ chạy về phía Thạch. Nó cắm đầu lao lên trước rồi quay lại, đứng dựng lên, hai chân trước tựa vào gối Thạch. Chỉ đợi “người quen” ngồi xuống, nó sung sướng nhay bàn tay Thạch.

Con chó con đáng yêu như đứa trẻ lên ba. Thạch vốn yêu chó mèo nhưng sống một mình nên không thể đón Mập hay Nấm sang với cô. Lần đầu tiên nhìn thấy Calvin, Thạch không thể không cười với nó rồi ngoắc tay: “Lại đây!”. Ai ngờ con chó chỉ hơi dè dặt một chút rồi chạy lại ngay. Ướm chừng thấy nó hiền, Thạch đưa tay xoa đầu, vậy là nó được nước nhay bàn tay Thạch ra chiều sung sướng lắm.

Chủ Calvin là một anh Ấn Độ người mỏng như tờ giấy, mà là giấy nâu đen thời trước, chưa có giấy tẩy trắng tinh cho học trò tập viết chữ như bây giờ. Thạch định hỏi Calvin bao nhiêu tuổi nhưng thấy anh này mặc áo ba lỗ, quần đùi đâm ngại. Thành ra Thạch chỉ chơi với nó chứ chưa lần nào chào hỏi “chủ”. Mà sáng nào đi bộ về Thạch cũng thấy anh chàng ngồi ở góc đó – quần đùi, áo ba lỗ, Calvin thì lúi húi trong bụi hoa.

Hôm trước thấy anh người Ấn và Calvin dời sang góc bên kia, gần chỗ mấy bác lớn tuổi tập thể dục, Thạch vờ không thấy, đi một mạch vào thang máy. Chẳng biết thế nào nhưng mấy hôm rồi không thấy anh người Ấn với Calvin nữa.

5. Bảy rưỡi sáng. Sân đi bộ ở tầng hai khu chung cư trở thành bản hòa tấu sớm của phong phú những âm điệu. Tiếng giày tây hạ xuống có phần nhẹ nhàng của những anh quần âu, áo vét khoác ngoài áo sơmi trắng tinh (dân tài chánh, chín mươi phần trăm); tiếng giày thể thao nện hối hả của những anh quần jeans, áo thun đeo balô đựng laptop (dân quảng cáo, chín mươi phần trăm!); tiếng rin rít của giày cao gót (phụ nữ văn phòng nói chung).

Thạch đã bắt đầu quen đến có thể biết chắc ai đang đi phía sau mình chỉ qua tiếng giày, dù chẳng biết họ là ai, tên gì, thậm chí ở lô nào, dãy nào. Có khi ở ngay tầng trên hay dưới Thạch cũng nên. Không hiểu sao nó khiến Thạch nhớ những lúc đứng chờ đèn xanh trên con phố mua sắm nổi tiếng Orchard ở Singapore. Đèn đỏ vừa tắt, lập tức hàng bao nhiêu con người đi bộ từ hai bên đường cùng hối hả bước về phía trước, tưởng chừng có thể va vào nhau, như những phân tử bắn vào nhau, nhịp chuyển động nhấp nhô như sóng biển.

Người ta “nhìn” mà không “thấy” nhau. Còn ở trên sân này, vào giờ này, người ta chủ yếu đi về một hướng, hướng xe buýt đưa họ đến văn phòng, vì vậy thậm chí có nhìn cũng chỉ thấy lưng nhau chứ không thấy mặt.

Thạch thích cái cảm giác “va” vào nhau ấy hơn, vì hình như đã đọc ở đâu đó một nhà thơ hay nhạc sĩ nào đó viết đại loại “ta va vào nhau giữa cuộc đời”. Thạch sẽ “va” vào ai đây? Khi mà Thạch đi chậm rãi, thong thả giữa nhịp hối hả ấy. Chậm lại. Chậm lại…

6. Salad cá thu, khoai lang nướng kiểu Ấn Độ, canh chua tôm. Vậy là đủ ba món, đủ danh mục thành phần dinh dưỡng cần thiết, đủ để biến căn bếp nhỏ, gọn gàng thành một “bãi chiến trường”.

Hai cô bạn từ dạo cấp ba đến làm “khách”. Cũng như Thạch, cả hai đều đã ngoài ba mươi, nhưng không như Thạch, đều đã chồng con “đủ bộ”. Hồng vẫn nói thích đến chơi vì Thạch khiến cô thấy mình trẻ lại nhiều và bớt căng thẳng. Linh thì lần nào đến cũng đem theo cả xấp vải bắt Thạch bày kiểu may quần áo sao cho giấu được vòng hai giờ đã đẫy đàng.

– Mày cứ chuyển sang đây ở, Thạch nó vỗ “ốm” thì khỏi phải đi nới đồ nữa – Hồng nói lớn.

– Mày cứ đùa. Còn chồng con tao ai vỗ béo?

Cả ba ôm bụng cười chảy cả nước mắt. Cứ thế, một buổi chiều thứ Bảy rộn rã nhưng ấm cúng đi qua. Thạch thấy vui vì cả hai cô bạn đều đã thôi không than thở chuyện gia đình, con cái hay công việc như trước đây nữa.

“Than chẳng giải quyết được gì, chỉ tội cái mặt thêm nhăn nheo”, Thạch vẫn nói với chúng thế, và không quên kèm theo một câu rất Stephen Covey(i): “Nếu không thay đổi được cái thế giới chung quanh mình thì tự mình phải thay đổi chính mình thôi”.

Chiều xuống. Hết một ngày ồn ã. Căn bếp nhỏ xinh đã gọn gàng trở lại. Thạch ngồi thu gối bên cửa sổ bâng quơ nhìn những dãy căn hộ san sát giống nhau như đúc, như những hộp diêm xếp chồng lên nhau theo đúng chiều, đúng mép.

Trên khoảng sân đi bộ, những người già lẫn trẻ đang tranh thủ đi dạo. Thạch bỗng nhận ra mình vẫn chưa biết một người hàng xóm nào trong năm căn ở lầu mười này.

Có nên bắt chước trong phim, làm ít bánh rồi gõ cửa từng nhà chào hỏi không nhỉ? Có lẽ họ sẽ nghĩ Thạch không bình thường, hoặc có ý định nhờ vả chuyện gì.

Thôi vậy, Thạch sẽ đợi đến một lúc nào đó “va” vào họ vậy.

Cao Thị Lan Phương

_________

(i) Tác giả cuốn "The 7 Habits of Highly Effective People".

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chung-cu-21153.html