Chứng chỉ ngoại ngữ: Cần có quy đổi

Hà Tĩnh vừa có quyết định đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 có điểm thi IELTS 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh, không cần thi. Qua việc này, nhiều người đặt câu hỏi vậy đối với những chứng chỉ ngoại ngữ khác như TOEFL, TOEIC… thì sao? Hiện Bộ GDĐT chưa có những quy định cụ thể về quy đổi giữa các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và trong nước gây ra những bất cập trong sử dụng.

Cần sớm có những đề xuất quy định giữa các chứng chỉ ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho người sử dụng.

Cần sớm có những đề xuất quy định giữa các chứng chỉ ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho người sử dụng.

Quy định xa… thực tế

Theo quy định tại Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT, các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008 vẫn có giá trị sử dụng và được đề xuất quy đổi theo Công văn 6089/BGDĐT-GDTX ngày 27/10/2014 do Bộ GDĐT ban hành. Cụ thể, theo khuyến nghị của Hội đồng thẩm định, Bộ GDĐT đề xuất trình độ A theo Quyết định 177/QĐ.TCBT ngày 30/01/1993 và trình độ A1 theo Quyết định 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 1 của Khung 6 bậc.

Trình độ B theo Quyết định 177 và trình độ A2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 2 của Khung 6 bậc. Trình độ C theo Quyết định 177 và trình độ B1 theo Quyết định 66 tương đương bậc 3 của Khung 6 bậc. Trình độ B2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 4 của Khung 6 bậc. Trình độ C1 theo Quyết định 66 tương đương bậc 5 của Khung 6 bậc. Trình độ C2 theo Quyết định 66 tương đương bậc 6 của Khung 6 bậc.

Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động hiện nay lại không căn cứ vào các các chứng chỉ ngoại ngữ này hay khung 6 bậc mà đều sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phổ biến như IELTS, TOEFL, TOEIC… trong tuyển dụng. Ngay cả các trường đại học (ĐH), cao đẳng trong quy định chuẩn đầu ra hiện nay đều bắt buộc sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu thì mới cho phép ra trường.

Việc quy định công nhận chứng chỉ nào để đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra là phụ thuộc tùy từng trường, từng khoa bởi ngay trong cùng một trường, khoa ngoại ngữ cũng thường có yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cao hơn so với các khoa khác.

Chẳng hạn, Học viện Ngoại giao yêu cầu chung IELTS 5.5, riêng sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh là 6.5. ĐH Công nghiệp Hà Nội yêu cầu chung đối với sinh viên tốt nghiệp là có TOEIC 600, trong khi ngành Ngôn ngữ Anh là IELTS 6.5.

Không có một mẫu số chung cho tất cả sinh viên mọi ngành đào tạo. Nhưng sau khi đáp ứng chuẩn đầu ra của từng trường, đến khi nộp hồ sơ đi xin việc, mỗi đơn vị lại đòi hỏi các chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau khiến cho người lao động có thể phải một lần nữa đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để đi thi.

Mong sớm có quy định

Hiện nay trường ĐH Quốc gia TP HCM có tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ VNU – EPT do nhà trường cấp và có quy đổi tương đương với các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Chẳng hạn, điểm số 151 đến 175 (tương đương trình độ B1.1) của chứng chỉ VNU – EPT tương đương với IELTS đạt từ 3.5 đến 4.0; PET từ 60 đến 79 điểm, TOEFL iBT đạt từ 31 điểm trở lên, TOEIC (nghe đọc) đạt từ 226 đến 315 điểm và TOEIC (nói viết) đạt từ 161 đến 180 điểm…

Tuy nhiên, đây là quy đổi của nhà trường còn trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng chấp nhận việc quy đổi tương đương này. Vì vậy, vẫn khó khăn cho người lao động khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để ứng tuyển việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất Bộ GDĐT cần sớm có những đề xuất quy định giữa các chứng chỉ ngoại ngữ để tạo thuận lợi cho người sử dụng. ThS. Mai Tuyết Nhung (ĐH Thương Mại) cho rằng đơn cử như việc Hà Tĩnh công nhận học sinh lớp 12 có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh còn với những học sinh sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác thì sao?

Hoan nghênh cách làm mới mẻ này của Hà Tĩnh nhưng giảng viên này cũng bày tỏ lo ngại mỗi chứng chỉ ngoại ngữ đều có cách dạy và luyện thi khác nhau nên nếu chỉ công nhận kết quả của một chứng chỉ thì nhiều người ở địa phương đó có thể sẽ đổ xô đi học và người có lợi nhất là các trung tâm luyện thi!

Vì vậy, ThS Mai Tuyết Nhung đề xuất cần có những quy định cụ thể về các thang quy đổi. Bên cạnh đó, giảng viên này cũng lưu ý việc đáp ứng chuẩn đầu ra của nhà trường mới là yêu cầu để được cấp bằng tốt nghiệp còn trong thực tế đi làm, mỗi đơn vị đều có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ riêng gắn liền với chuyên môn, vị trí việc làm nên cần căn cứ vào đó để tiếp tục trau dồi khả năng ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu công việc.

Một chuyên gia khác cũng đề xuất hiện nay khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam vẫn chưa thực sự tương thích với khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR). Chẳng hạn, điểm IELTS 6.5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng theo khung 6 bậc của Việt Nam thì lại quy đổi thành C1 bậc 5. Vì vậy, cần làm rõ những điểm này sớm để tạo thuận lợi hơn cho người lao động và cả nhà tuyển dụng khi đưa ra các yêu cầu.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-chi-ngoai-ngu-can-co-quy-doi-547542.html