Chùm ảnh: Triều Tiên đổi thay từng ngày, dần từ bỏ hình ảnh bị cô lập

Theo hãng tin National Public Radio (NPR), sau 7 năm dưới thời của lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đang có những sự thay đổi rõ rệt trong bối cảnh ông Kim có những hoạt động ngoại giao đáng kể với Hàn Quốc và Mỹ.

Những sự thay đổi này có thể thấy ngay ở trong lòng Triều Tiên. Từng được biết đến với những con phố vắng vẻ, những tòa nhà màu xám lạnh lẽo và một sân bay đã lạc hậu, thủ đô Bình Nhưỡng và một số thành phố ở Triều Tiên ngày càng trở nên hiện đại hơn.

Kinh tế Triều Tiên đang được cải thiện mặc dù các biện pháp cấm vận vẫn bị áp đặt và chất lượng sống của người dân đã tốt hơn nhiều so với thập niên 1990.

Một cuộc diễu hành được tổ chức ở Bình Nhưỡng, với sự tham gia của nhiều người tình nguyện.

Một cuộc diễu hành được tổ chức ở Bình Nhưỡng, với sự tham gia của nhiều người tình nguyện.

Rất khó để biết được công cuộc hiện đại hóa và hoạt động ngoại giao của chính phủ Triều Tiên sẽ mang lại những lợi ích nào về lâu dài. Lệnh cấm vận vẫn còn đó, phần lớn người dân Triều Tiên vẫn chưa thể tự do đi lại, tiếp cận mạng internet quốc tế.

Tuy nhiên vào thời điểm Triều Tiên trở nên cởi mở hơn, chính phủ nước này đã gửi lời mời đến 150 phóng viên nước ngoài đến đây để đưa tin về lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.

Hai phóng viên của NPR là bà Mary Louise Kelly và Becky Sullivan, cùng nhiếp ảnh gia tự do David Guttenfelder đã đến Triều Tiên trong sáu ngày và tại đây họ đã chứng kiến những cảnh tượng mới và cũ. Họ được thấy những cuộc diễu hành lớn diễn ra vào ban ngày (nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của đất nước) và ban đêm (có sự tham gia của người dân). Họ được đến thăm các nhà máy, một trường học và một nông trại, một chuyến thăm mà chính phủ Triều Tiên đã sắp xếp từ trước.

Các phóng viên đã chụp lại những bức ảnh về Triều Tiên và cho chúng ta thấy một phần cuộc sống ở quốc gia này, đồng thời cho thấy một Triều Tiên đang đổi thay một cách ấn tượng, bất ngờ, đẹp đẽ, đầy mơ mộng.

Một ban nhạc ở một nhà hàng món Ý ở Triều Tiên.

Thủ đô Bình Nhưỡng lúc sáng sớm. Bức ảnh này được chụp từ khách sạn Yanggakdo của thủ đô Triều Tiên.

Một phóng viên người Nga chụp hình cùng một sĩ quan Triều Tiên gần bức tranh tường ở một nông trại Triều Tiên.

Màn đồng diễn hoành tráng của Triều Tiên có sự tham gia của hàng trăm ngàn người. Khán giả trên sân vận động mang theo những tấm thẻ màu, cùng nhau hợp lại thành chân dung cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il.

Một gian phòng lưu niệm ở một nhà máy mỹ phẩm của Triều Tiên, nơi lãnh đạo Kim Jong-un đã từng đến thăm.

Bất kỳ địa điểm nào bên ngoài khách sạn phải được các sĩ quan Triều Tiên cho phép, và họ không được phép đến những địa điểm công cộng như ga tàu điện ngầm hay siêu thị.

Sĩ quan Triều Tiên đôi lúc cũng mắng các phóng viên khi họ chĩa máy ảnh vào những người dân đang làm những công việc thường ngày, ví dụ như một người đàn ông đang rửa xe, một phụ nữ sải bước dọc một cây cầu đã cũ, một nông dân đi trên xe bò của mình. Dù vậy, những phóng viên nước ngoài nhiều lần đến Triều Tiên vẫn có thể xây dựng sự tin cậy với những sĩ quan Triều Tiên và có thể tác nghiệp dễ dàng hơn.

Trong nhiều năm qua, Triều Tiên cấm người nước ngoài mang theo điện thoại di động vào đất nước mình, và những ảnh chụp về Triều Tiên là rất hiếm. Trong khi trào lưu selfie bùng nổ trên toàn thế giới và những trang như Instagram và Snapchat được người dùng sử dụng rộng rãi, Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ những ảnh chụp có thể sẽ được đăng tải trên các báo nước ngoài.

Binh lính Triều Tiên bước đều trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Triều Tiên.

Một khu vui chơi dành cho trẻ em ở một nhà máy lụa ở Bình Nhưỡng, mô phỏng tên lửa Unha-3 được phóng thành công vào năm 2012.

Bên trong nhà máy mỹ phẩm ở Triều Tiên.

Cô giáo dạy các em nhỏ tập thể dục.

Một sĩ quan Triều Tiên đi cùng các nhà báo quốc tế trong chuyến thăm tới các nhà máy ở Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên vào năm 2013, Triều Tiên đã thiết lập một hệ thống mạng 3G dành cho người nước ngoài và lần đầu tiên cho phép họ mang điện thoại di động. Giờ đây bất kỳ ai đến thăm Triều Tiên, cho dù là phóng viên hay khách du lịch, đều chụp lại và chia sẻ những hình ảnh mà họ chụp được bằng điện thoại.

Ở Triều Tiên, chỉ một nhóm nhỏ những người thuộc tầng lớp ưu tú và nhân viên chính phủ mới được nối mạng internet. Còn với phần lớn người dân, họ chỉ dùng một hệ thống mạng nội bộ intranet với nội dung giới hạn.

Một người đàn ông Triều Tiên đi dọc con đường ở một hợp tác xã.

Sảnh chính của một nhà máy mỹ phẩm ở Triều Tiên.

Binh lính Triều Tiên tập trung đông đảo tại sân vận động lớn ở Bình Nhưỡng nhân dịp 70 năm quốc khánh.

Người dân Triều Tiên tiếp cận với những công nghệ mới.

Rất nhiều phóng viên tác nghiệp tại một nhà máy mỹ phẩm ở Triều Tiên.

Điều đáng chú ý hơn cả đó là thủ đô Bình Nhưỡng đang dần thay đổi hình ảnh của mình. Vào thời Chiến tranh Triều Tiên, phần lớn thành phố đã bị bom Mỹ san bằng và công cuộc tái thiết bắt đầu sau khi xung đột chấm dứt vào năm 1953. Từ đó, những căn nhà mang kiến trúc Liên Xô màu xám đã được xây dựng. Các đại lộ nhiều làn ở Triều Tiên thường ít xe cộ đi lại.

Tuy nhiên trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, rất nhiều tòa nhà cao tầng mới đã được xây dựng trên khắp thành phố. Trong khi đó, những tòa nhà cũ đã được sơn lại bằng những màu sắc tươi sáng như màu đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển.

Một cô bảo mẫu và trẻ nhỏ đứng bên cửa sổ trước sự chứng kiến của phóng viên nước ngoài.

Đường chân trời thủ đô Bình Nhưỡng, chụp từ tháp Juche. Đằng xa là khách sạn Ryugyong, một tòa nhà 105 tầng mất nhiều năm xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Một góc thủ đô Bình Nhưỡng, chụp từ tháp Juche.

Một đầu máy nghe nhạc của Nhật Bản ở Triều Tiên.

Khách du lịch nước ngoài được mời làm người mẫu quần áo tại một cửa hàng ở Triều Tiên.

Trên đường phố cũng đã có những chiếc xe taxi, và xe điện mới đã thay thế những loại cũ. Nhiều người ở Bình Nhưỡng giờ đây đã sở hữu xe hơi của riêng mình, khiến đường phố ở Bình Nhưỡng có lúc bị ách tắc. Người dân cũng bắt đầu có những kiểu tóc hiện đại hơn và ăn mặc cũng có màu sắc hơn trước.

Tại sân bay Bình Nhưỡng, một ga quốc tế mới đã được mở cửa vào năm 2015 và nó rất giống với những sân bay hiện đại khác với trần cao, tường kính, cầu hàng không, quán cà phê, nhà hàng và các cửa hàng miễn thuế. Dù vậy từ đây hành khách vẫn chỉ đến được Trung Quốc và Nga.

Bảo vệ an ninh cùng máy phát hiện kim loại dàn hàng ngang tại Nhà hát Nhân dân Mansudae ở Bình Nhưỡng.

Thủ đô Bình Nhưỡng chụp từ tầng xoay của khách sạn Yanggakdo.

Cánh đồng và các căn nhà Triều Tiên chụp từ trên cao.

Găng tay mà mỗi khách du lịch phải mang theo khi vào Bảo tàng Hữu nghị Quốc tế ở Myohyangsan, cách thủ đô Bình Nhưỡng 90km. Đây là nơi những món quà lưu niệm được gửi cho các lãnh đạo Triều Tiên được lưu giữ, từ chiếc xe chống đạn của lãnh tụ Stalin cho đến quả bóng rổ có chữ ký của huyền thoại Michael Jordan.

Chân dung của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng.

Một trong những hình ảnh không hề thay đổi ở Triều Tiên đó là hình ảnh của các lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong-il xuất hiện ở mọi nơi. Chân dung của họ được treo ở các quảng trường công cộng, sảnh chính của các tòa nhà và ở trên bảng đen của một lớp học. Hai bức tượng của hai nhà lãnh đạo cũng được dựng lên ở đồi Mansu ở Bình Nhưỡng, có chiều cao hơn 18m.

Trong thời gian tới, rất nhiều sự kiện quan trọng đối với Triều Tiên sẽ diễn ra. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây đã đến Triều Tiên và được chào đón bởi khoảng 150.000 người dân Triều Tiên. Đến cuối năm, ông Kim sẽ gặp mặt ông Moon thêm một lần nữa và có thể sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump lần thứ hai. Trước những sự kiện này, cuộc sống ở Triều Tiên cũng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chum-anh-trieu-tien-doi-thay-tung-ngay-dan-tu-bo-hinh-anh-bi-co-lap-post277434.info