Chùm ảnh: Trải nghiệm tàu chợ Yên Viên - Hạ Long như... thời bao cấp

Đoàn tàu chợ Yên Viên - Hạ Long dù cũ kỹ như tàu thời bao cấp nhưng không ít hành khách vẫn thích thú trải nghiệm...

Nhiều người không thể hình dung, sau hàng chục năm đất nước đổi mới, vẫn còn tồn tại đoàn tàu cổ lỗ sĩ với những toa tàu y nguyên hình ảnh tàu chợ trong những năm bao cấp trước kia. Toa xe ghế gỗ cũ kĩ, quạt kiểu quạt tai voi quay vòng vòng trên trần toa. Toa xe hành lý có hai hàng ghế gỗ dọc theo hai thành toa, ở giữa chứa hành lý chủ yếu là hàng nông sản: từ gà, rau cỏ, các loại hoa quả đến các thứ quà quê như bánh đa vừng nướng…

Nhiều người không thể hình dung, sau hàng chục năm đất nước đổi mới, vẫn còn tồn tại đoàn tàu cổ lỗ sĩ với những toa tàu y nguyên hình ảnh tàu chợ trong những năm bao cấp trước kia. Toa xe ghế gỗ cũ kĩ, quạt kiểu quạt tai voi quay vòng vòng trên trần toa. Toa xe hành lý có hai hàng ghế gỗ dọc theo hai thành toa, ở giữa chứa hành lý chủ yếu là hàng nông sản: từ gà, rau cỏ, các loại hoa quả đến các thứ quà quê như bánh đa vừng nướng…

4h40 sáng một ngày đầu tháng 8/2019, phòng đợi tàu ga Yên Viên vắng tanh, mãi mới có một top khách ra ga mua vé, đi tàu

4h55, tàu bắt đầu xuất phát. Trời vẫn còn tối đen. Trên tàu, tính cả 5 nhân viên và hành khách chưa đến 20 người. Vì toa xe ghế ngồi đưa đi sửa chữa nên hành khách phải ngồi ở khu vực dành cho nhân viên trên toa hành lý trong ánh sáng vàng vọt hất ra từ khoang hành lý. Tuy vậy, hai vợ chồng bác Phạm Văn Lùng (Kim Ngưu, Hà Nội) vẫn hào hứng trải nghiệm tàu chợ, đi Hạ Long nghỉ mát.

Gia đình một hành khách quyết định chọn tàu Yên Viên - Hạ Long để đi nghỉ mát dù biết sẽ vất vả, hành trình kéo dài đến gần 7 giờ đồng hồ vì muốn con có những trải nghiệm, kỷ niệm thú vị.

Tàu chạy gần đến ga Bắc Ninh, trời đã sáng hơn nhưng vẫn không có thêm khách. Toa xe hành lý chỉ có chiếc xe máy là hành lý kí gửi và bộ bàn ghế gỗ vừa là nơi nhân viên làm việc, vừa là nơi hành khách có thể tán chuyện.

Vật dụng trên tàu cũ kĩ, hoen gỉ

Qua các ga Bắc Ninh, Bắc Giang, Kép, hành khách lên tàu dần nhưng cũng chưa đến 20 người.

Từ ga Bắc Giang, hàng hóa là các loại nông sản lên tàu dần, nhưng phải đến ga Lan Mẫu, hàng mới lên nhiều

Toa hành lý lúc trước còn trống không, giờ đầy chật hàng hóa.

Hàng hóa lên tàu, ngoài rau cỏ, củ quả, còn có cả các loại gia cầm gà, vịt, phục vụ cho vùng than Mạo Khê, Uông Bí hay vùng du lịch Hạ Long

Hàng hóa rải khắp toa hành lý, đủ loại. Tàu chạy, bà con tiểu thương lại sắp xếp lại các loại hàng đề giao cho khách khi đến các ga.

Gần 10h00 sáng, tàu đến ga Mạo Khê. Hàng lên, hàng xuống tất bật, nhộn nhịp.

12h kém, tàu đến ga Hạ Long. Bà con vội vã đưa hàng xuống, giao cho khách. Trên sân ga, nhiều ô tô đã đưa hàng hóa tập kết trước. Tại đây như thành chợ đầu mối, chủ yếu bán buôn cho khách khu vực Hạ Long.

13h30, còn khoảng 15 phút, tàu sẽ xuất phát về ga Yên Viên nhưng phòng đợi tàu ga Hạ Long vẫn vắng tanh, không một bóng người. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị khai thác tàu cho biết, đoàn tàu này trước đây là phương tiện vận tải chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa thiết yếu phía Đông Bắc. Giờ đường bộ phát triển mạnh nên lượng khách đi tàu và cả bà con đi chợ, buôn bán nhỏ bằng tàu này giảm rất nhiều. Doanh thu rất thấp, cả 2 lượt đi và về trong ngày trung bình chỉ khoảng 4 triệu đồng, trong khi đó, chi phí phải bỏ ra rất lớn, vì thế hàng năm trên tuyến này lỗ hơn 12 tỉ đồng.

Chuyến tàu trở về, không có hàng hóa. Hành khách vẫn chủ yếu là bà con đi chợ, bán xong hàng lại theo tàu quay về. Ngoài ra có thêm top khách từ Hữu Lũng (Lạng Sơn) đi du lịch Hạ Long bằng tàu, giờ trở về cũng bằng tàu. Dù có ghế nhựa nhưng họ thích thoải mái ngồi trên chiếu trải trên sàn toa tàu.

Thanh Thúy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chum-anh-trai-nghiem-tau-cho-yen-vien-ha-long-nhu-thoi-bao-cap-d430873.html