Chùm ảnh những vũ khí cực mạnh của Nga khiến NATO phải kiêng nể

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO leo thang căng thẳng vì cuộc đối đầu mới nhất của hải quân hai nước Nga và Ukraine, cùng điểm tên những vũ khí của Nga khiến liên minh quân sự mạnh nhất thế giới cũng phải có chút kiêng dè.

1, Tên lửa đạn đạo Iskander: Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn. Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

Hồi năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã thông báo kế hoạch triển khai một loạt tổ hợp tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ định dựng lên ở một số nước Đông Âu. Iskander là một trong những bảo bối vũ khí khí mà Nga lên kế hoạch triển khai nhằm đối phó với một NATO đang tiến ngày một sát đến biên giới nước này.

2, Gia đình Su-27 Flanker: Sukhoi Su-27 còn được NATO gọi là Flanker. Su-27 ra đời từ năm 1977, là đối thủ trực tiếp của các máy bay chiến đấu Mỹ thế hệ thứ 4. Su-27 có tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng và cực kỳ cơ động.

Sukhoi Su-27 vốn là niềm tự hào của Không quân Nga. Đây là đối thủ trực tiếp của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ như F-14 Tomcat, F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet. Một chuyên gia về máy bay chiến đấu từng nhận xét Su-27 là một chiến đấu cơ thiện chiến, dễ điều khiển và hoàn hảo cho các cuộc không chiến.

Sukhoi Su-27 là loại máy bay được coi là linh hoạt nhất trên thế giới. Su-27 có thể dễ dàng điều khiển ngay cả khi đang bay với tốc độ cực thấp và với góc tấn công cực cao. Điều này được thể hiện rõ ràng khi máy bay Sukhoi Su-27 dễ dàng thực hiện tư thế tấn công kiểu rắn hổ mang, tức là tạm thời duy trì góc tấn công 120 độ, một tư thế cực khó đối với rất nhiều loại máy bay chiến đấu trong rất nhiều các cuộc triển lãm hàng không quân sự quốc tế.

Sukhoi Su-27 chính là câu trả lời cho 2 loại máy bay chiến đấu F15 và F-16 của Mỹ. Ngay cả Mỹ cũng phải thừa nhận rằng Sukhoi Su-27 có ưu thế vượt trội so với 2 loại máy bay F-16 và F/A-18 của Mỹ nhất là ở khía cạnh tốc độ khi Sukhoi Su-27 có thể đạt đến vận tốc 2.252km/h so với 2.200km/h của F-16 và 1.900km/h của F/A-18.

Trang web Air Power of Australia còn khẳng định rằng, hỏa lực, tốc độ, độ linh hoạt, khả năng né tránh và tầm hoạt động của Su-27 cũng vượt trội so với F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.

3, Hệ thống tên lửa phòng không S-400: S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

4, Tàu ngầm lớp Akula: Tàu ngầm Project 941 lớp Akula (cá mập) còn được NATO gọi là Typhoon là những tàu ngầm nguyên tử lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Chúng nặng gần 48.000 tấn và có thể mang được 20 tên lửa đạn đạo chiến lược Sineva.

Vào những năm 1980 và 1990, Liên Xô và sau này đã Nga đã đóng 15 chiếc tàu ngầm lớp Akula (Shcuka-B). 9 trong số này hiện vẫn còn đang phục vụ trong quân đội Nga. Tàu ngầm lớp Akula có khả năng tàng hình rất cao.

Hải quân Nga đã nâng cấp những chiếc tàu ngầm này bằng nhiều công nghệ tối tân. Có lẽ đặc tính đáng sợ nhất của những chiếc tàu ngầm Akula là chúng có thể mang được lượng lớn vũ khí, trong đó có ngư lôi và tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình được trang bị cho tàu ngầm Akula có thể tấn công những mục tiêu ở cả trên biển và trên đất liền, đặt các bờ biển của NATO vào vòng nguy hiểm.

Kiệt Linh(tổng hợp)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/tin-anh/201812/chum-anh-nhung-vu-khi-cuc-manh-cua-nga-khien-nato-phai-kieng-ne-621602/