Chùm ảnh đặc biệt về ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não tại Việt Nam

Ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi ở Nam Định) đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam được ghép 2 lá phổi từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sáng 16/3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) tổ chức gặp mặt báo chí công bố đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên lấy từ cho người chết não ở Việt Nam tại bệnh viện này.

Ca ghép đặc biệt được các bác sĩ Viện 108 thực hiện vào ngày 26/2/2018. Thành công này đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng của những người lính áo trắng sau những thành công về ghép thận, ghép gan trong hai năm vừa qua.

Bệnh nhân được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định). Ông Hanh được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ghép phổi là cách duy nhất cứu ông khỏi tử thần nhưng cũng là thách thức lớn với các thầy thuốc.

Người hiến phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi, bị chết não. Bệnh nhân không may mắn này đã hiến đa tạng, gồm thận, phổi, giác mạc, tim… để ghép cho 6 bệnh nhân khác.

Đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là 1 trường hợp ghép đa tạng cho nhiều người trong cùng 1 thời gian rất ngắn : ghép thận cho 1 bệnh nhân và ghép giác mạch cho hai bệnh nhân tại BV TW Quân đội 108. Đồng thời phối hợp với Trung điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM tiến hành bảo quản, vận chuyển tạng xuyên Việt để thực hiện ghép thận và tim cho hai bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện ca ghép phổi lịch sử này, Bệnh viện 108 đã huy động lực lượng hùng hậu gồm 64 y, bác sĩ, kỹ thuật viên… thuộc Ban chỉ đạo, Ban điều phối – thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện TW Quân đội 108, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài (từ Pháp, Bỉ...).

GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là tổng chỉ huy điều hành tổ chức ca ghép. Ca ghép được thực hiện trong suốt 10 tiếng (từ 10 đến 18 giờ).

Đến thời điểm này, gần 20 ngày sau khi được ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc Hanh đã tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt, phim chụp X-quang cho thấy 2 phổi sáng, hòa nhập với cơ thể người nhận. Bệnh nhân tự đi lại trong phòng bệnh cách ly và có thể trò chuyện được.

Chùm ảnh đặc biệt về ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Việt Nam:

Hàng chục chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành hội chẩn, đánh giá về ca bệnh chuẩn bị được ghép phổi Trần Ngọc Hanh

Hàng chục chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành hội chẩn, đánh giá về ca bệnh chuẩn bị được ghép phổi Trần Ngọc Hanh

Sáng 16/3, 20 ngày sau ghép, bệnh nhân Hanh cho biết, sức khỏe của ông đã được hồi phục tới 80%.

Bệnh nhân Hanh sau khi được ghép phổi

Các bác sĩ tiến hành ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện 108. Nguồn hiến phổi lấy từ ngưòi cho chết não. GS.TS Mai Hồng Bàng đánh giá, việc ghép phổi từ người cho chết não phức tạp hơn rất nhiều so với nguồn hiến từ người cho sống.

GS Mai Hồng Bàng cho biết, bệnh nhân Hanh được miễn phí hoàn toàn trong ca ghép phổi này. Giai đoạn điều trị trước ghép, Bệnh viện cũng đã miễn phí để chuẩn bị cho ca ghép. Thuốc chống thải ghép sau khi ghép phổi bệnh nhân được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bìa trái) cùng các chuyên gia hội chẩn ca bệnh trước ghép phổi

Sau khi bệnh nhân 45 tuổi được xác định chết não, tim và thận của bệnh nhân được vận chuyển bằng đường hàng không đưa vào TP HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy) để ghép cho hai bệnh nhân khác. Trong ảnh là TS Nguyễn Hữu Ước - một chuyên gia ghép tim của bệnh viện Việt Đức đích thân mang tạng xuyên Việt.

Hai tạng tim, thận được vận chuyển bằng thùng chuyên dụng đặc biệt, đưa vào TP HCM bằng hai chuyến bay khác nhau. Do thời gian vàng để bảo quản tim chỉ 6 tiếng, nên các bác sĩ phải nhờ tới lực lượng công an dẫn đường tránh tắc đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về BV Chợ Rẫy, phục vụ cho việc ghép.

Tạng sau khi được lấy từ BV 108 được đưa về BV Việt Đức để ghép.

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép thận thành công cho 18 bệnh nhân có chỉ định ghép thận, 1 ca ghép gan, 27 ca ghép tủy và 14 ca ghép giác mạc. GS Mai Hồng Bàng cho biết sau thành công của ca ghép phổi, bệnh viện sẽ nghiên cứu ghép tử cung, ghép ruột, ghép khối tim, phổi...

BN Trần Ngọc Hanh chia sẻ từ phòng bệnh sáng 16/3

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/chum-anh-dac-biet-ve-ca-ghep-phoi-dau-tien-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-viet-nam-20180316113459048.htm