Chùm ảnh: Bất an khi qua cầu đi chung duy nhất đường sắt - đường bộ

Cầu chung đường sắt - đường bộ Cẩm Lý (Bắc Giang) hơn 40 năm tuổi đang đối mặt nguy cơ mất an toàn.

Cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979, là cầu chung đường sắt duy nhất trên mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện vẫn dùng cho cả tàu hỏa và ô tô đi trên cùng một mặt cầu.

Cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979, là cầu chung đường sắt duy nhất trên mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện vẫn dùng cho cả tàu hỏa và ô tô đi trên cùng một mặt cầu.

Hàng ngày, rất đông ô tô tải, xe container chở hàng đi từ Quảng Ninh, Hải Phòng qua đây để đi ra QL1A lên Lạng Sơn và ngược lại, do tuyến đường này ngắn hơn so với đi QL18 đi ra QL1A khoảng 25-30km. Ông Tạ Thanh Long, Cung trưởng Cung cầu Cẩm Lý cho biết, tuy hai đầu cầu đều cắm biển hạn chế tải trọng là 9 tấn/trục nhưng rất nhiều ô tô tải, xe container vượt quá tải trọng cho phép qua cầu.

Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Hà Lạng, đơn vị quản lý, duy tu cầu Cẩm Lý cho biết, cầu nằm trên QL37, nối Bắc Giang đi các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nên lưu lượng xe qua cầu rất lớn. Nguy cơ mất an toàn rất lớn, nhất là áp lực tải trọng đối với trạng thái kĩ thuật cầu.

Do lòng cầu hẹp, chỉ cho lần lượt mỗi chiều xe qua. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua cầu, hai đầu cầu đều có nhân viên gác cầu, thông tin, trao đổi với nhau để bật tín hiệu đèn đỏ ngăn đường một phía, khi nào cầu thanh thoát thì bật tín hiệu cho phía còn lại để xe được phép qua cầu. Tuy nhiên, không ít trường hợp, các phương tiện vẫn cố vượt đèn đỏ, lao vào lòng cầu, dẫn đến ùn tắc, mất ATGT. Nhiều người chia sẻ, rất bất an mỗi khi phải qua cây cầu này. Ảnh: Hai xe đấu đầu trên cầu (chụp ngày 14/2/2020)

Ngay đầu cầu phía TP. Bắc Giang đi đến, có lối đi tự mở qua đường sắt có độ dốc cao. Đây là đường đê, rộng hơn 3m, vì thế khá nhiều phương tiện, ô tô qua lại, từ đường đê qua đường sắt ra QL37 hoặc từ cầu xuống, rẽ vào đường đê. Thực trạng này càng khiến ùn tắc khu vực đầu cầu.

Mỗi khi có tàu qua, các nhân viên gác cầu đóng barie, không cho các phương tiện đi vào cầu.

Hiện trên tuyến này chỉ có một đôi tàu hỗn hợp khách - hàng chạy giữa Yên Viên - Hạ Long và ngược lại. Thỉnh thoảng có tàu hàng.

Mỗi khi tàu qua, các phương tiện hai chiều "chen nhau" qua và vào cầu. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Vũ Xá (huyện Lục Nam) cho biết, lưu lượng xe qua lại lớn, trong khi cầu hẹp, yếu vừa đe dọa đến an toàn, vừa ảnh hưởng đến lưu thông trên cầu, chỉ cần một ô tô chết máy là ùn tắc hàng giờ.

Khoảng 5h10 ngày 13/2 có xe container đầu kéo chở 2 container nối nhau, đi hướng từ Hạ Long về Kép, khi lên cầu đã bị mất lái đâm vào thang kiểm tra thanh xiên đầu cầu, làm thang kiểm tra bị biến dạng, cong vênh và hư hỏng 10m lan can đường người đi xe máy, thanh xiên cổng cầu.

Xe container bị mắc trên cầu, phải điều cẩu đến cứu viện, đến hơn 8h00 mới thông cầu. Ngay sau khi thông cầu, Công ty CP Đường sắt Hà Lạng thực hiện luôn việc sửa chữa cầu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu. Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trước năm 2014, Tổng công ty Đường sắt VN đã hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án đầu tư dự án xây dựng cầu để tách cầu đường bộ khỏi cầu chung đường sắt đối với cầu Cẩm Lý. Đến tháng 8/2014, Bộ GTVT đã có kế hoạch triển khai, trong đó yêu cầu tiến độ thực hiện trong 3 năm 2014-2016. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thể triển khai thực hiện do không được bố trí vốn.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chum-anh-bat-an-khi-qua-cau-di-chung-duy-nhat-duong-sat-duong-bo-d453154.html