Tôn tạo di sản chùa Ngọa Vân- Nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật

Việc tôn tạo di tích chùa Ngọa Vân là để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tới mọi người về tầm vóc và tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngày 13/12/2020, GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và UBND thị xã Đông Triều phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm 712 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308-2020) và khởi công tu bổ, tôn tạo am - chùa Ngọa Vân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Hành trình về miền Di sản - Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm" tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.

Trong cuộc đời tu luyện và nhập diệt của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu hành, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308. Bởi thế, Ngọa Vân được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

Chùa Ngọa Vân nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài, ở độ cao trung bình 588m – 644m so với mặt nước biển, thuộc địa bàn xã An Sinh và Bình Khê, là một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Chùa Ngọa Vân nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài, ở độ cao trung bình 588m – 644m so với mặt nước biển, thuộc địa bàn xã An Sinh và Bình Khê, là một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Tại lễ tưởng niệm, các Chư tôn đức GHPGVN cùng các đại biểu, Phật tử ôn lại tiểu sử, công đức, sự nghiệp và đạo nghiệp của đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông; thành tâm tưởng niệm một vĩ nhân của lịch sử, người không chỉ có công lao với dân tộc mà còn là bậc Giáo chủ của Phật giáo Việt Nam, người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nền Phật giáo nhập thế hòa quang đồng trần.

Chư tôn đức GHPGVN cùng các đại biểu tại lễ Tưởng niệm 712 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh những công lao vĩ đại của Phật Hoàng và ý nghĩa to lớn của di tích Ngọa Vân trong quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

“Hiếm có nơi nào trong cả nước có ý nghĩa tâm linh như Đông Triều. Nơi đây có nhiều chùa, đền to đẹp cùng hệ thống lăng tẩm các vua nhà Trần. Đối với Ngọa Vân, đây là vị trí đức Vua hóa Phật, là vị trí đại địa linh. Việc từng bước phục hồi một số di tích đặc biệt vừa mang tính chất báo ân, vừa mang tính chất khôi phục lại những giá trị văn hóa tâm linh để lại cho hậu thế”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Ngọa Vân giờ đây đang được đánh thức cùng với những giá trị to lớn của di tích, là một trong những điểm du lịch nổi bật của vùng đất Đông Triều.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, cho biết, lễ tưởng niệm được tổ chức với tâm niệm để tăng ni, Phật tử và nhân dân không chỉ ghi nhớ công lao vĩ đại mà còn noi theo tấm gương hạnh tuệ vì đời, vì đạo của Phật Hoàng, để học tập, phấn đấu, xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn đúng như di huấn của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”.

Nhân dịp này, GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng thị xã Đông Triều tổ chức lễ động thổ, khởi công dự án tôn tạo chùa Thượng am Ngọa Vân- nơi đức Vua hóa Phật.

Chư tôn đức GHPGVN thực hiện nghi lễ trước khi khởi công tôn tạo di tích chùa Ngọa Vân.

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, việc trùng tu tôn tạo di tích không chỉ là việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa mà còn phục dựng nơi tham quan, nghiên cứu, giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ về tầm vóc và tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Đông đảo Phật tử và nhân dân dự lễ khởi công.

“Dự án nhằm bảo tồn di tích quan trọng- nơi đức Vua hóa Phật, góp phần phát huy giá trị của di tích Ngọa Vân cùng với các di tích quần thể nhà Trần ở Đông Triều, tạo điểm đến tâm linh cho tăng ni, Phật tử và du khách thập phương. Sau khi công trình hoàn thiện, đây sẽ là nơi linh thiêng, là thánh địa, là vùng đất phúc địa không chỉ của di tích nhà Trần ở Đông Triều mà còn của hệ thống tự viện Phật giáo Trúc Lâm cũng như Phật giáo cả nước, được coi là địa điểm linh thiêng như nơi nhập Niết bàn của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni tại Ấn Độ”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói./.

Minh Lê/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/ton-tao-di-san-chua-ngoa-van-noi-duc-vua-tran-nhan-tong-hoa-phat-823913.vov