Chức vụ Ngoại trưởng thời ông Biden: Phải dày dặn kinh nghiệm

Nhiều người dự đoán ông Biden sẽ ưu tiên chọn Ngoại trưởng là nữ hoặc người da màu dày dặn kinh nghiệm đối ngoại để giúp ông thực hiện các cam kết lúc tranh cử.

Ngày 7-11 (giờ Việt Nam), với việc giành chiến thắng ở bang Pennsylvania và nhận được 20 phiếu đại cử tri (ĐCT) ở đây, ứng viên Joe Biden đã đạt được 273/538 phiếu ĐCT và chính thức vượt qua Tổng thống đương nhiệm Donald Trump để trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, kênh CNN đưa tin.

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Cũng như 45 đời tổng thống trước, trước khi bắt đầu nhiệm kỳ bốn năm của mình, điều ông Biden cần làm trước tiên chính là chọn ra nội các - những người quan trọng sẽ cùng ông điều hành đất nước.

Cùng với tổng thống Mỹ, các thành viên trong nội các của ông sẽ là người đưa ra những quyết định trọng đại và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì thế, những vị trí này luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của không chỉ người dân Mỹ, mà còn với những người quan tâm chính trị toàn thế giới. Chức vụ Ngoại trưởng là một trong số đó.

Tờ Los Angeles Times đã đưa danh sách các ứng viên tiềm năng ông Biden có thể chọn để đảm nhận trọng trách quan trọng này.

Susan Rice

Bà Susan Rice, 55 tuổi, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, từng có tên trong danh sách chọn liên danh tranh cử của ông Biden cho cuộc bầu cử năm nay đang nhận được sự chú ý của nhiều người.

Tốt nghiệp Đại học Stanford với thành tích xuất sắc và am hiểu sâu rộng về chính sách đối ngoại của Mỹ, từng là đại sứ Liên Hợp Quốc cũng như cố vấn cấp cao của ông Obama, bà đang là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Ngoại trưởng.

Bà Susan Rice. Ảnh: GETTY IMAGES

Từ khi phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc Black Lives Matter bùng nổ khắp nước Mỹ sau vụ một cảnh sát da trắng giết chết người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng 5, bà Rice đang là ưu tiên số một của ông Biden. Tổng thống đắc cử nhiều khả năng sẽ chọn bà để xoa dịu những người biểu tình vì bà là một trong những người Mỹ gốc Phi thành công và nổi bật nhất trong đảng Dân chủ.

Ngoài ra, bà cũng có mối quan hệ lâu dài và thân thiết với Tổng thống đắc cử Biden - một người vốn coi trọng lòng trung thành.

Antony Blinken

Ông Antony Blinken, cựu phó ngoại trưởng và phó cố vấn an ninh quốc gia trong hai nhiệm kỳ của ông Obama, đồng thời là cố vấn về chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử của ông Biden, cũng được xem là một trong những ứng viên hàng đầu.

Ông Antony Blinken. Ảnh: GETTY IMAGES

Trước khi trở thành cố vấn tranh cử của ông Biden, ông Blinken từng là một cựu chiến binh. Sau khi ông Biden bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Blinken là người đại diện thường xuyên của cựu phó tổng thống. Ngoài ra, ông cũng là một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và là người thường chỉ trích ông Trump.

"Ông Joe Biden sẽ giúp ích nếu trở thành tổng thống, ông ấy sẽ mở ra những cơ hội mới" - ông Blinken nói với tờ The Times vào đầu năm nay.

Ông cũng là hậu duệ của những người sống sót sau thảm họa Holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến II) và có thiên hướng can thiệp vào các cuộc khủng hoảng thế giới hơn một số đồng nghiệp của mình. Mặc dù vậy, ông cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc điều chỉnh vị trí của mình để phù hợp với chính quyền mà ông phục vụ.

William Burns

Một ứng cử viên tiềm năng khác là ông William Burns - một quan chức ngoại giao kỳ cựu từng phục vụ dưới thời ông Obama, người hiện là chủ tịch của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu có trụ sở ở thủ đô Washington D.C.

Ông Burns, 64 tuổi, từng là thứ trưởng Ngoại giao, giữ chức đại sứ tại Nga và Jordan cùng nhiều chức vụ khác trong các chính quyền tổng thống khác nhau. Ông thường xử lý các cuộc đàm phán hòa bình bên lề ở Trung Đông và thúc đẩy ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt của Iran do Tổng thống Obama và năm quốc gia khác ký với Tehran.

Ông William Burns. Ảnh: GETTY IMAGES

Cực quan chức này đã phản đối những lời chỉ trích công khai đối với chính quyền ông Trump trong những tháng đầu tiên, nhưng gần đây ông lại thể hiện sự hoài nghi lớn về cách Tổng thống đương nhiệm làm việc.

Ông không chỉ được coi là nhà ngoại giao giỏi, có thể đàm phán mang lại lợi ích cho quốc gia mình, mà còn là người có niềm tin vững chắc vào các thể chế và vai trò truyền thống của Mỹ trong chính sách toàn cầu, bao gồm chủ nghĩa đa phương mà chính quyền ông Trump đã bác bỏ.

Ông Burns, với tư cách là một quan chức ngoại giao chuyên nghiệp, nếu được chọn, sẽ gửi một tín hiệu trấn an tới Bộ Ngoại giao vốn bị phớt lờ trong bốn năm nắm quyền của ông Trump.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuc-vu-ngoai-truong-thoi-ong-biden-phai-day-dan-kinh-nghiem-949235.html