Chức danh giáo sư không phải thứ mang ra đùa cợt

Sự việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phong tặng chức danh “Giáo sư âm nhạc, ca sỹ Phạm Ngọc Sơn” đã dấy lên luồng tranh luận nhiều chiều. Để rõ hơn về việc phong tặng chức danh, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng

PV: Thưa ông, mới đây Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng bằng khen cho ca sĩ Ngọc Sơn, đồng thời ghi rõ, ca sĩ Ngọc Sơn là “giáo sư âm nhạc”. Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Ông Phùng Huy Cẩn: Tôi rất lấy làm tiếc, tiếc cho cả người phát bằng khen lẫn người nhận bằng khen. Sự việc này thực sự xúc phạm đến các nhà văn hóa, các giáo sư đầu ngành, các thầy cô giáo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung cũng như giới trí thức cả nước. Tôi trân trọng đề nghị Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cần phải có tiếng nói chính thức để chấn chỉnh công tác khen thưởng của Hội.

Qua sự việc, chúng ta nhận thấy phải hết sức nghiêm túc cho việc khen thưởng để một xã hội thượng tôn pháp luật và thể hiện sự tôn trọng đúng mức với người có công lao cống hiến.

Trên một số diễn đàn âm nhạc có chia sẻ rằng: “Tặng bằng khen cho giáo sư âm nhạc Ngọc Sơn là một trò đùa, trong khi chức danh giáo sư là một chức danh nghiêm túc, việc mang ra đùa cợt có nên không, thưa ông?

Theo đúng quy định, những đơn vị, tổ chức có quyền hạn phong hàm giáo sư quy định rất rõ trong Nghị định của Chính phủ rồi. Chúng ta có một Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Cụ thể, Hội đồng sẽ phải xem xét tất cả các hồ sơ do Bộ, ngành gửi lên, với các tiêu chí: tiến sĩ nhận bằng được 3 năm, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, có các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, có đóng góp công lao vào quá trình đào tạo đội ngũ trí thức… Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ xem xét và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phong tặng hàm giáo sư với cá nhân xuất sắc.

Vì vậy, trao bằng khen không phải là chỗ để đùa cợt. Trao bằng khen thể hiện một thái độ nghiêm túc đối với đội ngũ trí thức của đất nước.

Ca sĩ Ngọc Sơn

Có ý kiến có rằng ca sĩ Ngọc Sơn khi gửi hồ sơ sang Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam có tự phong cho mình chức danh giáo sư âm nhạc. Theo ông, đây có phải là một chiêu PR của nghệ sĩ?

Trong tay tôi hiện không có bằng chứng pháp lý nào để chứng minh văn bản ấy do ca sĩ Ngọc Sơn gửi cho Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam hay Hội tự phong cho ca sĩ Ngọc Sơn. Tôi không bình luận chuyện đó. Song tôi muốn nhắn nhủ tới các nghệ sĩ trong giới showbiz cần phải nghiêm túc hơn trong các hoạt động nghệ thuật của mình.

Có cách nào để ca sĩ Ngọc Sơn “dập lửa” dư luận?

Nếu như ca sĩ Ngọc Sơn mà là “nạn nhân” của sự việc thì cũng nên có tiếng nói, còn không phải là “nạn nhân” mà là một “ý định nào khác” của ca sĩ Ngọc Sơn thì tôi nghĩ: với sự thẳng thắn và trung thực thì ca sĩ cũng nên thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội.

Bằng khen Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng “Giáo sư âm nhạc, ca sỹ Phạm Ngọc Sơn”

Vậy chắc hẳn, đơn vị cấp bằng khen cho ca sĩ Ngọc Sơn phải chịu trách nhiệm và gửi lời xin lỗi với công chúng?

Tôi trân trọng đề nghị Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội chuyên ngành cụ thể là Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam nên tỏ thái độ và bản thân Hội cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về sự việc vừa qua. Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cần lên tiếng xin lỗi công chúng.

Ngoài việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam nên lên tiếng xin lỗi công chúng thì cần có xử lý nào khác không, thưa ông?

Về các chế tài pháp luật, việc ấy vượt quá thẩm quyền của tôi. Tôi phụ trách trong lĩnh vực Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tôi nghĩ tôi sẽ chuyển câu hỏi này đến ít nhất là 2 cơ quan, một là Bộ Nội vụ, nơi quản lý về các Hội. Hai là cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua khen thưởng  là Ban thi đua khen thưởng Trung ương cũng là ở Bộ Nội Vụ xem xét và có xử lý thích hợp để tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

Nhà văn Chu Lai: “Đó là một sự hài hước”

Một ca sĩ hát nhạc bolero tai tiếng kha khá và chưa từng giảng dạy trên bục giảng bao giờ mà lại ngẫu nhiên được gọi là “giáo sư âm nhạc” thì đó là một sự hài hước. Điều này không chấp nhận được, bởi tất cả các giáo sư khác họ sẽ cảm thấy bị chạnh lòng, các nhà nghiên cứu khác sẽ cảm thấy hóa ra cả cuộc đời mình tiến tới một đỉnh cao về trí tuệ trở thành trò cười hết. Trong chuyện này, theo tôi cả hai bên phải rút kinh nghiệm: người nhận danh hiệu đó phải cảm thấy vô duyên; cả người viết danh hiệu đó cũng cảm thấy mình không đứng đắn.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường: “Nếu là giáo sư phải có cống hiến”

Chức danh giáo sư là danh hiệu cao quý cho người thầy. Người thầy đó phải cống hiến trong một trường đại học, có thành tích cao về đào tạo… và nếu ca sĩ Ngọc Sơn không đáp ứng các tiêu chí của một giáo sư, không phải giáo sư thì Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam ghi “giáo sư âm nhạc” ở bằng khen tặng ca sĩ Ngọc Sơn thì chỉ là ngoa ngôn, phong cho vui thôi.

Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen vậy là sai, bởi khi thành lập Hội, Nhà nước có cho họ quyền phong tặng hay không. Nếu không thì Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã vượt quyền.

Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/chuc-danh-giao-su-khong-phai-thu-mang-ra-dua-cot/738900.antd