Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài 6)

Với chuẩn mực cao hơn về minh bạch thông tin tài chính, bộ chuẩn mực IFRS đang được một số doanh nghiệp niêm yết tự nguyện áp dụng trong lập báo cáo tài chính. Việc tiến tới bắt buộc một số đối tượng doanh nghiệp áp dụng IFRS cũng đang được cơ quan quản lý tính tới trong chiến lược đẩy mạnh hội nhập quốc tế của thị trường vốn Việt Nam. Ths Hà Thị Tường Vy, Tổng thư ký Hội Kế toán viên hành nghề Việt Nam và Ths Nguyễn Hà Lê, E&Y đã chia sẻ quan điểm về lộ trình áp dụng bộ chuẩn mực phức tạp này.

Bài 6: Áp dụng IFRS với doanh nghiệp niêm yết: Lộ trình nào phù hợp?

Câu hỏi đau đầu của cơ quan quản lý

Từ những năm 1990, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thông tin kế toán và triển khai đề án xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu các thông lệ, chuẩn mực kế toán tiên tiến trên thế giới, dưới sự trợ giúp của Dự án EURO – TAPVIET, năm 2001, Bộ Tài chính đã công bố 4 chuẩn mực kế toán Việt Nam đầu tiên.

Đến năm 2006, Việt Nam đã có 26 chuẩn mực kế toán được công bố, áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế.

Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế đã đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, cũng như yêu cầu quản lý nền kinh tế trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước ngày một phát triển, đặc biệt thị trường vốn, thị trường tài chính đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Bởi vậy, việc nghiên cứu áp dụng IFRS, bộ chuẩn mực tiên tiến nhất trên thế giới cho doanh nghiệp Việt Nam, để tiến tới thống nhất một ngôn ngữ kế toán với quốc tế là cần thiết. Và trên thực tế, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án áp dụng IFRS.

Câu hỏi đang khiến Bộ Tài chính - cơ quan quản lý lĩnh vực kế toán, kiểm toán - đau đầu là việc áp dụng chuẩn mực IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam nên như thế nào?

Áp dụng nguyên mẫu hay có sự sửa đổi để phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, với các cơ chế, chính sách khác có liên quan? Đối tượng áp dụng là các loại hình doanh nghiệp, công ty nào? Khi nào thì chính thức triển khai áp dụng với các đối tượng này?

Theo dự thảo Đề án công bố hồi đầu tháng 6/2018, Bộ Tài chính dự kiến sẽ xây dựng hai hệ thống chuẩn mực kế toán:

Thứ nhất, hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS). Hệ thống này được định hướng xây dựng trên nguyên mẫu là IFRS.

VFRS bắt buộc thực hiện với các công ty niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nước ngoài và áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất.

Thứ hai là hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Hệ thống này được xây dựng theo hướng phù hợp với VFRS, nhưng đơn giản hơn, có nhiều nội dung được điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế đặc thù, cũng như năng lực của các doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng VFRS.

Về lộ trình áp dụng, VFRS được áp dụng muộn nhất cho năm tài chính 2025, còn VAS được áp dụng muộn nhất cho năm tài chính 2027.

Đây thực sự là một kế hoạch thách thức.

Trước hết, việc xây dựng hướng dẫn áp dụng nguyên mẫu IFRS vào doanh nghiệp Việt Nam là một công việc lớn, công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

Việc áp dụng bộ chuẩn mực này vào việc lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ tác động trên nhiều khía cạnh, kể cả nhận thức, tư duy quản lý của doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách kinh tế - tài chính (vốn quen áp đặt với doanh nghiệp).

Đó là chưa tính đến việc tác động tích cực và không tích cực đến quản lý, lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một thách thức lớn nữa xuất phát từ chính những người làm kế toán. Đội ngũ làm công việc kế toán tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước hiện nay đa số chưa từng được tiếp cận với IFRS.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ xây dựng hai hệ thống chuẩn mực kế toán là VFRS và VAS. Về lộ trình áp dụng, VFRS được áp dụng muộn nhất cho năm tài chính 2025, còn VAS được áp dụng muộn nhất cho năm tài chính 2027.

Hệ thống IFRS đề cao tính minh bạch, chủ động giải trình của doanh nghiệp trên bản báo cáo tài chính, trong khi văn hóa tư duy, tập quán làm việc của người Việt Nam là thích “cầm tay chỉ việc” hơn là nghiên cứu bản chất vấn đề để vận dụng vào thực hành công tác kế toán hàng ngày.

Điều này được minh chứng qua việc ban hành chế độ kế toán qua các thời kỳ.

Chi phí đầu tư cho đào tạo nhân viên kế toán, phần mềm kế toán theo chuẩn IFRS cũng là một thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp.

Tránh sốc cho doanh nghiệp

Dẫu biết rằng, áp dụng nguyên mẫu IFRS sẽ mang lại lợi ích trong việc cung cấp hệ thống thông tin minh bạch cho nền kinh tế mà Việt Nam đang hướng tới, nhưng lợi ích này chỉ đạt được khi mọi điều kiện đã chín muồi.

Đó là doanh nghiệp đã đầy đủ nhân lực kế toán, hiểu và có thể vận hành công việc tuân thủ theo IFRS một cách dễ dàng, cơ sở về vật chất như phương tiện tin học, phần mềm kế toán đã sẵn sàng.

Ở Việt Nam, cần có thời gian để mọi người hiểu về IFRS một cách đầy đủ, đúng đắn và cần có sự đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực, mô hình số liệu và môi trường quản lý của nền kinh tế, xu hướng hội nhập quốc tế là tất yếu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cần tính đến tính thực tiễn của Việt Nam với khoảng 90% số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, là loại hình doanh nghiệp đang rất cần sự trợ giúp của Nhà nước để nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Nên chăng, Bộ Tài chính có kế hoạch xây dựng chuẩn mực kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời với VAS.

Thực tế, IFRS phức tạp, phù hợp áp dụng với các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội gọi vốn trên thị trường quốc tế. Ở nhiều nền kinh tế phát triển, bộ chuẩn mực này cũng chỉ bắt buộc áp dụng với các doanh nghiệp đang niêm yết.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên phân loại đối tượng doanh nghiệp áp dụng và có lộ trình hợp lý để các doanh nghiệp thuộc đối tượng này chuyển đổi hệ thống kế toán.

Mô hình triển khai IFRS ở Nhật Bản có thể là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên phân loại đối tượng doanh nghiệp áp dụng và có lộ trình hợp lý để các doanh nghiệp thuộc đối tượng này chuyển đổi hệ thống kế toán.

Về đối tượng, cần phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để tránh tình trạng cơ chế tài chính nhà nước áp đặt các quy định của kế toán; doanh nghiệp có quy mô lớn với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Từ đó, có quy định áp dụng các hệ thống chuấn mực kế toán phù hợp với từng đối tượng.

Về lộ trình áp dụng, Bộ Tài chính nên quy định, trong giai đoạn đầu (từ năm 2025), chỉ áp dụng VFRS cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của các tập đoàn.

Còn báo cáo tài chính riêng của tất cả các doanh nghiệp (kể cả công ty mẹ) áp dụng VAS. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng bộ chuẩn mực riêng dành cho nhóm doanh nghiệp này.

Sau 5 – 10 năm, Bộ Tài chính tổng kết đánh giá, rút bài học kinh nghiệm và nhân rộng việc áp dụng VFRS cho các loại hình doanh nghiệp, xóa dần khoảng cách giữa VAS và VFRS.

(Còn tiếp)

Ths Hà Thị Tường Vy và Ths Nguyễn Hà Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-doanh-nghiep-viet-khong-the-mai-dung-ngoai-bai-6-243892.html