Chuẩn hóa hiệu trưởng - tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục

Là người đứng đầu trong nhà trường, hiệu trưởng có vai trò quan trọng tạo lập nền tảng nhân cách, định hướng tương lai cho hàng trăm, thậm chí cả nghìn học sinh. Môi trường giáo dục có trong sáng, lành mạnh hay không; tập thể sư phạm có đoàn kết, dân chủ, thân thiện hay không; triển vọng của nhà trường có xán lạn hay không, một phần phụ thuộc vào bản lĩnh, nhân cách, tài năng của hiệu trưởng.

Theo dự thảo thông tư quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố mới đây, hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực quản lý nhà trường; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Theo đó, với 3 tiêu chí thuộc về phẩm chất và 18 tiêu chí thuộc về năng lực, Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu rất cao đối với năng lực của hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay. Nghĩa là hiệu trưởng không những là người mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có trình độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ tương ứng (hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số nếu ở trường nội trú, trường có học sinh dân tộc thiếu số chiếm đa số) mà đòi hỏi người đứng đầu cơ sở giáo dục phải thích ứng và giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, trong đó có việc tiếp xúc, giải quyết quan hệ với báo chí, truyền thông và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn môi trường sư phạm.

Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: MINH ANH

Sau khi tìm hiểu dự thảo thông tư này, không ít nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều địa phương không khỏi băn khoăn, lo lắng vì cho rằng, tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng trường phổ thông đưa ra quá nhiều, quá cao như thế liệu có phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi?

Băn khoăn như thế là có cơ sở. Bởi một bộ phận hiệu trưởng hiện nay khi “soi” vào những tiêu chuẩn này thì chưa đủ, thậm chí khó hoàn thiện vì có người tuổi cao, ngại đi học để hoàn thiện một số chuẩn về tiêu chí năng lực như ngoại ngữ, tin học…

Tuy vậy, theo các chuyên giao giáo dục, việc đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí như vậy là đòi hỏi tất yếu để hiệu trưởng đáp ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) của Đảng, đồng thời đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2019-2020. Những tiêu chuẩn này được ví như “cái đích” để mỗi hiệu trưởng có điểm tựa, động cơ, mục đích phấn đấu rõ ràng và có ý thức nỗ lực học tập, rèn luyện thường xuyên, liên tục để không ngừng hoàn thiện các tiêu chí về phẩm chất, năng lực đặt ra. Bởi với tư cách là người đứng đầu, hiệu trưởng có vai trò quan trọng góp phần tạo lập nền tảng nhân cách, định hướng tương lai cho hàng trăm, thậm chí cả nghìn học sinh. Môi trường giáo dục có trong sáng, lành mạnh hay không; tập thể sư phạm có đoàn kết, dân chủ, thân thiện hay không; triển vọng của nhà trường có xán lạn hay không, một phần phụ thuộc vào bản lĩnh, nhân cách, tài năng của hiệu trưởng.

Là chuyên gia giáo dục, GS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiệu trưởng phải có những tố chất cần thiết để thể hiện cả vai trò người nhạc trưởng và người chỉ huy như đơn vị quân đội. Theo ông, "nhạc trưởng" không chơi một loại nhạc cụ nào nhưng bằng tài năng của mình sẽ tạo ra nguồn cảm hứng, khích lệ tập thể giáo viên thực hiện tốt “bản giao hưởng trồng người”. Bên cạnh đó hiệu trưởng cần có năng lực của người chỉ huy như một đơn vị quân đội là “ân, uy, đức, pháp” để đưa tập thể học sinh thực hiện “4H” (học, hỏi, hiểu, hành) và “3S” (sống kỷ cương, sống tình thương, sống trách nhiệm). Không những vậy, GS Đặng Quốc Bảo còn đưa ra ba năng lực tổng quát cho hiệu trưởng, là: Năng lực tư duy, năng lực công việc, năng lực quan hệ với con người. Cụ thể hóa năng lực tư duy là: Biết mình và biết người; biết thế và biết thời; biết đủ và biết dừng. Năng lực công việc là: Làm việc đúng và làm đúng việc đã chuẩn bị; nguyên tắc và linh hoạt; sáng kiến và viễn kiến; toàn thể và cụ thể. Năng lực quan hệ với con người là: Chấp hành và điều khiển; cạnh tranh và nhường nhịn; lực hút và lực đẩy; quyền uy và bao dung; quyết đoán và dân chủ. Trong quan hệ với con người, hiệu trưởng phải ứng xử làm sao để biến đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, đưa đồng minh thành đồng chí, đưa đồng chí thành tri âm, tâm giao!

Nhà trường là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục con người và chuẩn bị nguồn nhân lực, nhân tài cho quốc gia. Do vậy, hiệu trưởng nhà trường mà đạt được những tiêu chuẩn, tiêu chí như vậy sẽ góp phần quyết định vào việc chấn hưng, nâng cao toàn diện chất lượng nền giáo dục nước nhà trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chuan-hoa-hieu-truong-tien-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-535773