Chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ

Việc thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử; chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ trong thời gian tới mang lại nhiều lợi ích và là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Quyết liệt các nhiệm vụ để xây dựng Chính phủ điện tử

Sáng 7/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương nhằm quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Hội nghị diễn ra theo 4 chuyên đề nhằm: Quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/1/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó tập trung vào chuẩn hóa chế độ báo cáo và triển khai Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Quán triệt việc gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg và triển khai kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia và việc xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử.

Hội nghị cũng giới thiệu về đề án Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hướng dẫn xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hướng dẫn chuẩn hóa chế độ báo cáo...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ để xây dựng Chính phủ điện tử.

Nhờ sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 04/02/2020 đã có gần 1,25 triệu văn bản (khoảng 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận) trên Trục liên thông, số lượng văn bản gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên vận hành tăng gấp 2 lần.

Vào tháng 6/2019, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã được khai trương đã góp phần giảm bớt thời gian của các phiên họp Chính phủ và cho thấy sự cải cách của nội các Chính phủ.

Đến tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương. Tính đến ngày 05/2/2020, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 41.594 tài khoản đăng ký, hơn 12,7 triệu lượt truy cập; hơn 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.100 phản ánh, kiến nghị; hỗ trợ 3.641 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).

Trong gần 2 tháng khai trương, kết quả này cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, ghi nhận kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, tính đến ngày 05/02/2020, đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 38/63 địa phương ban hành thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo theo phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt. Các thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương đã được bãi bỏ nhiều báo cáo không cần thiết, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều báo cáo có nội dung trùng lặp; tần suất báo cáo đã được giảm; đề cương, biểu số liệu đã được mẫu hóa, làm cơ sở cho việc số hóa, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện báo cáo trên hệ thống điện tử.

Tuy nhiên, với kỳ vọng và các chỉ tiêu cụ thể Chính phủ giao phải hoàn thành trong năm 2020 thì còn rất nhiều việc phải làm. Chính vì vậy, hội nghị là dịp các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và các giải pháp giúp cho việc triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương

Để tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia và chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đến tháng 6/2020 hoàn thành liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành các cấp, 100% văn bản điện tử gửi, nhận 4 cấp chính quyền.

Đối với việc triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cần tập trung hoàn thành việc kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương...

Các bộ, ngành, địa phương có dịch vụ công dự kiến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý I/2020 chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và tích hợp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Cụ thể như nhóm dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý I/2020.

Về việc chuẩn hóa chế độ báo cáo, căn cứ các chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện việc số hóa, điện tử hóa các báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương và thực hiện kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và VPCP.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương đồng tình và thống nhất triển khai nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương. Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT cũng trực tiếp giải đáp ý kiến của các đại biểu liên quan đến nội dung tại hội nghị.

Dự kiến, tháng 3/2020 khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu lại việc năm 2019 đã ban hành được khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia; khai trương hệ thống e-Cabinet; khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia; tập trung xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính.

"Đây là sự vào cuộc rất quyết liệt và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong quản trị thông minh, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết VPCP tiếp thu các ý kiến để cùng các bộ, địa phương, các cơ quan tiếp tục triển khai nhiệm vụ để theo dự kiến, tháng 3/2020 sẽ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Với những kết quả đạt được tính đến hôm nay thì còn rất nhiều việc phải làm mới có thể đạt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với VPCP để thực hiện việc liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản; thực hiện nghiêm các yêu cầu về sử dụng chữ ký số, có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của cơ quan mình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị các bộ, địa phương, cơ quan liên quan cần quan tâm, coi nhiệm vụ chuẩn hóa chế độ báo cáo, chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương là công việc thường xuyên, liên tục, là trọng tâm ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.

Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/chuan-hoa-che-do-bao-cao-xay-dung-he-thong-thong-tin-bao-cao-chinh-phu/386992.vgp