Chuẩn đầu vào, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Những năm trước, tình hình xuất khẩu ngao - mặt hàng chủ lực của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa nhiều thời điểm bị chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nguyên liệu đầu vào chưa ổn định về số lượng và chất lượng, nhiều thời điểm còn xảy ra dịch bệnh, chưa đáp ứng được các quy chuẩn khắt khe của thị trường.

Diện tích rừng vầu được cấp chứng chỉ FSC tại xã Tam Lư (Quan Sơn).

Nhận định vai trò quan trọng của yếu tố nguyên liệu đầu vào, từ đầu năm 2017, công ty đã thuê 200 ha diện tích nuôi ngao tại huyện Nga Sơn để chủ động nguồn nguyên liệu. Tại đây, ngao được nuôi trồng theo đúng quy trình, bảo đảm nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và các chỉ tiêu kỹ thuật. Bà Trịnh Thị Cúc, giám đốc công ty, chia sẻ: Thị trường của đơn vị chủ yếu là các nước khó tính, như Mỹ, EU, Nhật Bản. Do đó, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chí sản xuất hàng xuất khẩu là rất quan trọng. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu với chất lượng ổn định, công ty đã chinh phục được thị trường mới là Nhật Bản và doanh thu xuất khẩu ngao của công ty tăng trưởng ổn định từ 15-20%/năm.

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là may mặc, giầy dép, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang được đẩy mạnh nhằm góp phần tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh ta. Tại các huyện miền núi trong tỉnh, lâm sản xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng ván sàn, đũa, vàng mã... được sản xuất từ nguyên liệu keo, luồng, nứa, vầu. Việc “chuẩn” đầu vào cũng đã giúp các mặt hàng này có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng. Một số huyện như Thạch Thành, Quan Sơn, Thường Xuân cũng đã quan tâm, triển khai cho người dân áp dụng quy trình trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của châu Âu, giúp sản phẩm đầu ra truy xuất được nguồn gốc và thêm nhiều cơ hội xuất hiện tại các thị trường khó tính trên thế giới. Tại huyện Thạch Thành, từ năm 2016, Công ty CP Chế biến gỗ Xuân Sơn đã liên kết với các hộ trồng rừng trên địa bàn 8 xã tham gia dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của châu Âu, với diện tích gần 1.500 ha keo. Sau 2 năm thực hiện dự án, gần 1.500 ha keo tại huyện Thạch Thành đã được tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ FSC quốc tế. Nhờ được áp dụng quy trình chăm sóc, khai thác khoa học, có chứng nhận xuất xứ, toàn bộ diện tích keo này đã được Công ty CP Lâm sản Nam Định bao tiêu để chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, EU, mở ra hướng phát triển rừng sản xuất bền vững cho bà con nông dân.

Có thế mạnh, tiềm năng phát triển các sản phẩm xuất khẩu từ nguồn lâm sản luồng, vầu, vậy nhưng, các cơ sở chế biến tại huyện Quan Sơn có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Thực trạng đó khiến tình hình kinh doanh vầu, luồng của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đầu ra không ổn định. Dù sản lượng khai thác lớn, nhưng việc tiêu thụ hướng tới thị trường quốc tế còn hạn chế vì chưa có chứng chỉ quản lý rừng bền vững mà quốc tế công nhận. Cuối năm 2018, Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa thuê đất đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu với quy mô 3 ha. Cùng với việc triển khai xây dựng nhà máy, đơn vị cũng đã đứng ra hỗ trợ bà con nhân dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh hoàn thành các tiêu chí kỹ thuật để cấp chứng chỉ FSC đủ điều kiện xuất khẩu cho hơn 3.000 ha rừng vầu, luồng, nứa. Tháng 4 vừa qua, nhân dân 2 xã Tam Lư và Tam Thanh đã vinh dự đón nhận chứng chỉ FSC cho diện tích hơn 3.000 luồng, vầu. Canh tác theo tiêu chuẩn FSC, toàn bộ diện tích được cấp chứng chỉ sẽ được Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa bao tiêu, chế biến xuất khẩu, tạo đầu ra bền vững cho người trồng rừng.

Hiện nay, hàng hóa của tỉnh đang xuất khẩu sang 43 thị trường. Trong đó, những thị trường có kim ngạch lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Theo đánh giá của Phòng Quản lý xuất - nhập khẩu, Sở Công Thương, tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh hiện đang chiếm tỷ lệ thấp so với trung bình cả nước và còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển. Với việc ký kết và thực thi điều khoản của các hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan đang dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lại phải đối diện là những thay đổi về xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Do đó, để chủ động thích ứng với thị trường, tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các hàng rào phi thuế quan; đồng thời, quy hoạch, xây dựng những vùng nguyên liệu với sản lượng ổn định, bảo đảm chất lượng, quy tắc xuất xứ, đáp ứng tốt các tiêu chí về kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuan-dau-vao-co-hoi-thuc-day-xuat-khau-nong-lam-thuy-san/103086.htm