Chuẩn bị tháo dỡ cầu hơn 100 năm tuổi trên sông Sài Gòn

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Tháo dỡ cầu Phú Long cũ trên sông Gài Gòn nối quận 12 (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Thời gian tháo dỡ thực hiện từ năm 2018 đến 2019.

Cầu Phú Long cũ hơn 100 năm tuổi hiện đã xuống cấp.

Cầu Phú Long cũ hơn 100 năm tuổi hiện đã xuống cấp.

NDĐT - Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Tháo dỡ cầu Phú Long cũ trên sông Gài Gòn nối quận 12 (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Thời gian tháo dỡ thực hiện từ năm 2018 đến 2019.

Theo Quyết định số 4602/QĐ-SGTVT ngày 13-8-2018 này, việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bởi hiện tại cầu Phú Long mới cách công trình cũ một km về phía hạ lưu đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân; đồng thời, việc tháo dỡ bảo đảm đồng bộ tĩnh không thông thuyền đối với dự án cầu đường sắt Bình Lợi cho tuyến sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế vùng.

Cầu Phú Long cũ nối đường Hà Huy Giáp (quận 12, TP Hồ Chí Minh) và đường 3/2 (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) được xây dựng từ thời Pháp, đã có hơn 100 năm tuổi do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) quản lý. Cầu có chiều dài 251,71m, là loại cầu dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm thép; bản mặt cầu dạng vỉ thép dùng cho các nhịp vòm Eiffel và bản mặt cầu bằng bê-tông cốt thép cho các nhịp vòm thép; kết cấu phần dưới có mố, trụ cầu bằng bê-tông cốt thép và trụ chống va. Tĩnh không thông thuyền của cầu khá hạn chế với 30mx3m.

Về quy mô tháo dỡ, theo quyết định phê duyệt, sẽ tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu; thanh thải dòng chảy, tổ chức lại giao thông trong khu vực. Đối với vật tư thu hồi sẽ được thanh lý theo quy định để bù vào tổng mức đầu tư của công trình.

Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ với hơn 100 năm tuổi, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã tính toán chi tiết đến yếu tố lịch sử. Theo đề nghị của Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại Công văn số 328/BTTP ngày 4-1-2018 và Biên bản làm việc giữa Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 và Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, quyết định cũng nêu rõ một số cấu kiện khi tháo dỡ cần được bảo quản, lưu giữ và chuyển giao cho Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Sông Sài Gòn có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thông đường thủy của nhiều địa phương. Cụ thể, sông có chiều dài 256km chảy qua nhiều địa phương của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Đây là tuyến sông có mực nước khá sâu, có tiềm năng phát triển giao thông đường thủy nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Tuy nhiên trong thời gian qua, với tĩnh không của cầu Phú Long cũ và cầu đường sắt Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn quá thấp, chỉ 3m đối với cầu Phú Long cũ và khoảng 1,5m đối với cầu đường sắt Bình Lợi. Chính điều này đã làm hạn chế lưu thông đường thủy, một phương tiện vận tải có chi phí thấp nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, cầu Phú Long cũ hơn 100 năm tuổi trong chiến tranh bị sập nhiều lần và được phục hồi lại; hiện nay, cầu đã xuống cấp nặng, chỉ dành cho người đi bộ và xe hai bánh. Để bảo đảm an toàn, đơn vị quản lý cầu phải cắt cử người túc trực 24/24 giờ.

Để phát triển đường thủy trên sông Sài Gòn, cần sự đồng bộ tĩnh không của toàn tuyến. Hiện nay, dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc” được triển khai từ năm 2015, gồm hai hạng mục chính là xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền và nạo vét luồng sông Sài Gòn đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, cầu đường sắt Bình Lợi sắp hoàn thành đi vào hoạt động và tiến hành tháo dỡ toàn bộ cầu đường sắt cũ để nâng tĩnh không thông thuyền lên 7m.

Trong khi đó, cầu Phú Long mới thay thế cầu cũ đã đi vào hoạt động từ năm 2012 có chiều rộng mặt cầu 26m với sáu làn xe. Vì vậy việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ tạo tĩnh không đồng bộ, phát huy tiềm năng giao thông đường thủy là vấn đề cần thiết mà các địa phương quan tâm, ủng hộ. Khi tĩnh không tuyến giao thông đường thủy này được đồng bộ, thông suốt sẽ tạo điều kiện kết nối vùng thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giảm áp lực về giao thông đường bộ hiện nay.

Là địa phương có tiềm năng phát triển giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn, tháng 6-2018, tỉnh Bình Dương đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xây dựng hệ thống cảng, bến thủy để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách.

Theo đó, ngoài cảng hàng hóa An Sơn hiện hữu, tỉnh Bình Dương quy hoạch thêm nhiều cảng mới trên sông Sài Gòn như cảng An Tây, cảng Rạch Bắp, cảng Phú Cường Thịnh, cảng Thanh An với khả năng tiếp nhận tàu thủy lớn để vận chuyển hàng hóa công nghiệp tại tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Mai Hùng Dũng cho rằng, phát triển giao thông đường thủy là điều mong muốn của các cấp chính quyền. Tuy nhiên trong thời gian qua, do bị vướng cầu đường sắt Bình Lợi, cầu Phú Long cũ có độ tĩnh không thấp nên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nâng tĩnh không đồng bộ trên toàn tuyến sông Sài Gòn sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển logistics theo hướng sử dụng vận tải đa phương thức, tạo kết nối giao thông thông suốt và kết nối vùng thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Cầu Phú Long cũ hiện chỉ dành cho người đi bộ và xe máy.

TRỊNH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/37960702-chuan-bi-thao-do-cau-hon-100-nam-tuoi-tren-song-sai-gon.html