Chuẩn bị nhân sự đại hội đảng khóa mới - những việc cần tập trung sức lãnh đạo

LTS: Theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị, khóa XII thì việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 phải hoàn thành trước ngày 31-10-2020. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao về tiến độ, chất lượng trong công tác chuẩn bị đại hội, nhất là chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Trước đòi hỏi đó và từ thực tiễn công tác nhân sự ở cơ sở, chúng tôi mạnh dạn phản ánh một số vấn đề đặt ra; đồng thời đề xuất những giải pháp ban đầu, với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho Đảng.

Bài 1: Quyết liệt hơn nữa để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương

Trong tháng 8-2019, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên tục ban hành, công bố các quyết định về công tác nhân sự, tiến hành luân chuyển không ít cán bộ Trung ương về cơ sở đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng. Điểm đặc biệt, 100% cán bộ được luân chuyển, bổ nhiệm vị trí chủ trì, chủ chốt ở địa phương thời gian qua đều không phải là người địa phương. Chính điều này tạo sự đồng thuận, thống nhất rất cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhân sự mới - tín hiệu mới - sinh khí mới

Theo số liệu từ cơ quan chức năng thuộc Ban Tổ chức Trung ương, tính đến nay, về cơ bản, 63 tỉnh, thành phố đã có bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy không phải là người địa phương; hoặc sẵn sàng nguồn cán bộ thay thế không phải là người địa phương trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, sắp tới đây, một số trường hợp bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy (nhiệm kỳ 2015-2020) là người địa phương, sẽ hết tuổi công tác, đưa ra khỏi quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025, hoặc sẽ thực hiện các quyết định luân chuyển công tác, để bảo đảm nhất quán chủ trương “bí thư cấp ủy không phải người địa phương” một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc. Nói về vấn đề này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức xây dựng Đảng tháng 6-2019 (trực tuyến đến 71 điểm cầu trên cả nước), đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Việc kết hợp nhuần nhuyễn, vận dụng sáng tạo giữa tiến hành luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương thời gian qua là một thành quả đáng ghi nhận trong công tác cán bộ của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung; đóng góp của ngành tổ chức xây dựng Đảng nói riêng.

Theo khảo sát của Báo Quân đội nhân dân, khi tiếp nhận cán bộ Trung ương (không phải người địa phương) về giữ vị trí bí thư cấp ủy (bí thư tỉnh ủy, thành ủy), hầu hết các cấp ủy, ban thường vụ, tập thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận; nhất là không có bất kỳ điều tiếng gì trong dư luận xã hội. Thậm chí, ở một số địa phương vốn có cán bộ chủ trì là người địa phương giữ vị trí công tác lâu năm thì việc "đón" nhân sự mới trở thành sự kiện chính trị quan trọng; xem đây là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho địa phương, để tạo ra tín hiệu mới, sinh khí mới cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành ở cơ sở.

Nhất quán cao với cách làm đó, thời gian qua, cùng với các quyết định nhân sự của Trung ương, hầu hết các đảng bộ tỉnh, thành phố trong cả nước, cấp ủy đảng cùng cấp đều chủ động, tích cực tiến hành công tác quy hoạch, điều chỉnh, luân chuyển cán bộ bí thư cấp huyện ủy, quận ủy không phải là người địa phương một cách bài bản. Ví như, tính đến tháng 7-2019, TP Hồ Chí Minh đã xem xét, bố trí 17/24 bí thư quận ủy, huyện ủy; 14/24 chủ tịch UBND quận, huyện không là người địa phương. Tại Quảng Ninh, thực hiện chủ trương gắn luân chuyển với bố trí cán bộ không phải là người địa phương đối với những chức danh lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị xã, thành phố đã có 11/14 (78,6%) bí thư cấp ủy; 9/14 (71,14%) chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc... đều có số lượng cán bộ chủ trì cấp quận, huyện không phải người địa phương chiếm tỷ lệ cao (hơn 90%).

Như vậy, kết quả đạt được nêu trên không chỉ là bước chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng cho đại hội đảng nhiệm kỳ mới, mà còn là thành quả từ việc quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 7, khóa XII. Với tiến độ, chất lượng đạt được như thời gian qua, có thể nhận định, Trung ương Đảng, các cấp ủy và hệ thống chính trị sẽ cán đích trước thời hạn so với mục tiêu mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: Đến năm 2020, cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đến nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện dứt điểm chủ trương này trên toàn quốc.

Vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, thời gian qua, việc thực hiện chủ trương “bí thư cấp ủy không phải người địa phương” cũng đang đối diện với không ít khó khăn, rào cản, vướng mắc nảy sinh. Trước hết, "vật cản khổng lồ" làm chậm tiến độ, chất lượng hiện thực hóa Nghị quyết HNTƯ 7, khóa XII chính là tư duy theo lối cũ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Lối nghĩ này mặc định cho rằng: Cán bộ chủ trì là người địa phương mới thực sự là nguồn lực, động lực cho sự tiến bộ, phát triển của cơ sở. Cho rằng, người địa phương mới quy tụ được sức dân; thực sự hiểu biết sâu rộng về vị trí địa lý, đặc thù văn hóa, lịch sử địa phương; hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng và sức mạnh nội sinh của cơ sở; và nhất là có tình yêu và quyết tâm chính trị rất cao trong đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp. Chính tư duy đó ít nhiều tác động tiêu cực và tạo ra sự trì trệ trong công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua. Hơn thế, quá trình luân chuyển cán bộ tuy công khai, khách quan, minh bạch, nhưng do nhiều yếu tố chi phối; nhất là các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ dẫn đến một số hệ lụy đáng ngại về tư tưởng chính trị; xuất hiện nhiều luồng thông tin sai lệch, tin đồn phiến diện về nạn chạy chức, chạy quyền, gây ảnh hưởng xấu đến bầu không khí, tâm lý xã hội và niềm tin của nhân dân về công tác cán bộ của Đảng.

Thực tế đó đòi hỏi, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong dân. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng hiểu rõ: Tại HNTƯ 7, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, nhấn mạnh tính hợp lý, tầm quan trọng và vai trò của bí thư cấp ủy không phải là người địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi thói cục bộ, bè cánh, gia đình trị; gây mục ruỗng đoàn kết trong tổ chức và làm trì trệ sự phát triển địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc, đầy đủ, rằng: Quyết nghị “bí thư cấp ủy không phải người địa phương” là thành quả của quá trình nghiên cứu toàn diện, lâu dài, triển khai làm thí điểm, làm trước với những lộ trình, bước đi thích hợp, trước khi đúc rút thành chủ trương, nhân rộng ra toàn quốc. Theo các nhà khoa học, việc thực hiện chủ trương “bí thư cấp ủy không phải người địa phương” khi thành công được ví như "chìa khóa vạn năng" giúp mở toang cánh cửa tư duy của Đảng và quần chúng về công tác cán bộ; tháo gỡ mối quan hệ chằng chịt mang nặng tính huyết thống rối bời và đan xen lợi ích nhóm, vốn đang là vấn nạn ở không ít địa phương hiện nay.

Nhất quán chủ trương này, từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; kết hợp triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phương án, giải pháp, biện pháp... ở nhiều cấp độ, phương diện khác nhau trong công tác cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ tổng thể, chiến lược của Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ ở cấp mình; đồng thời chuẩn bị nguồn cán bộ bí thư cấp ủy cho địa phương bạn; kết hợp với làm tốt công tác tham mưu, bồi dưỡng, đào tạo sử dụng, luân chuyển cán bộ chủ chốt cho cấp mình và cấp trên. Cùng với đó, các tỉnh ủy, thành ủy cũng cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo làm tốt việc luân chuyển đội ngũ cán bộ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn và các chức danh tương đương ở xã để tạo nguồn cho cán bộ chủ chốt (không phải là người địa phương) cho cấp huyện và cấp cao hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc luân chuyển cán bộ cần được làm từ sớm để cán bộ có thời gian tiếp cận thực tế công tác, gắn bó với cơ sở, cùng tập thể ban chấp hành đảng bộ và đảng ủy các cấp lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020; kết hợp làm tốt công tác chuẩn bị đại hội đảng nhiệm kỳ mới. Trên cơ sở đó, công tác bầu cử (tại đại hội sắp tới) mới đạt hiệu quả vì lúc bấy giờ các "nhân tố mới" có điều kiện tiếp cận thực tế, cùng làm việc với đồng chí đồng đội, hội tụ đủ điều kiện phục vụ công tác thẩm định, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ được luân chuyển về.

Cơ sở cũng quyết liệt đề xuất: Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy không nên để lọt các trường hợp luân chuyển, bổ nhiệm cá biệt, riêng lẻ, không theo phương án chung; không nên chờ đại hội nhiệm kỳ mới tiến hành xong, mới luân chuyển cán bộ về giữ vị trí chủ trì, chủ chốt địa phương. Làm như thế rất dễ tạo tâm lý ức chế cho cơ sở và quần chúng nhân dân. Khi đó, người cán bộ ở vị trí chủ trì sẽ dễ bị dư luận hoài nghi; thậm chí còn bị tẩy chay, cô lập, trù dập.

Việc luân chuyển cán bộ phải kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch cán bộ cho từng địa phương và quy hoạch cán bộ ở cấp cao hơn, nhưng quan trọng hơn là phải chọn được cán bộ có trình độ, năng lực, đủ khả năng để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra ở cơ sở. Cán bộ được luân chuyển phải là hạt nhân, có tính xung kích, dám làm và làm tốt để tháo gỡ khó khăn hiện hữu, đưa địa phương phát triển. Điều đó có nghĩa là phải căn cứ vào thực tế địa phương để lựa chọn, luân chuyển cán bộ chủ trì về cơ sở. Ví như, địa phương yếu về lĩnh vực gì, cần bứt tốc về mặt công tác nào, thì rất cần ưu tiên cán bộ đứng đầu có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác uyên thâm về lĩnh vực ấy... mà không đơn thuần luân chuyển cán bộ về địa phương chỉ vì họ không phải là người địa phương.

NGUYỄN TẤN TUÂN

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/chuan-bi-nhan-su-dai-hoi-dang-khoa-moi-nhung-viec-can-tap-trung-suc-lanh-dao-590279