Chuẩn bị nhân lực, vật chất cho tình huống dịch lan rộng

Ngày 5/8 tại cuộc họp giao ban với giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình, cần chuẩn bị nhân lực, vật lực.

Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế

“Về đáp ứng phòng chống dịch, trong tiền lệ của Bộ Y tế, chưa bao giờ lại cử những cán bộ, giáo sư, chuyên gia đầu ngành vào quyết giữ cho được Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, làm sao khống chế triệt để đợt dịch lần này. Việc khống chế triệt để không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn Bộ đã ban hành, phải rà soát lại cơ sở vật chất, kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn; yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm, sao cho có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ, như vậy, mới phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

“Cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Ngay bây giờ, với các địa phương chưa có dịch cũng phải chuẩn bị tình huống này. Bài học của Đà Nẵng là dù chúng ta dồn toàn lực như vậy nhưng về mặt y tế, vẫn thiếu cán bộ y tế nên Đà Nẵng phải kêu gọi các địa phương khác hỗ trợ bác sĩ cho điều trị bệnh nhân trên địa bàn Đà Nẵng”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế là vấn đề lớn được ông Long đặc biệt nhấn mạnh trong buổi giao ban. Theo đó, khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế, hạn chế thăm nuôi, khám chữa bệnh định kỳ mà có thể chuyển về y tế cơ sở.

“Đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong tỏa cả bệnh viện. Phải phân luồng phân tuyến thì lúc đó, chỉ có khu vực đó mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm. Ngoài ra, chúng ta phải bảo vệ những điểm yếu nhất trong cơ sở y tế là khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... Phải coi đây là điểm phải bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn”, ông Long nói.

10 ngày tới là đỉnh dịch ở Ðà Nẵng

Chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong giai đoạn hiện nay, xét nghiệm là công cụ chủ đạo để phát hiện ra ca dương tính trong cộng đồng. Mặc dù Đà Nẵng đã nâng công xuất xét nghiệm lên đạt mức 8.000-1.0000 mẫu/ngày nhưng vẫn có thể tăng hơn nữa. Ông Sơn cho biết thêm, việc truy vết F0 tại Đà Nẵng không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này. Hiện giờ mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (trường hợp nhiễm COVID-19 đã lâu) và truy vết những người tiếp xúc với những trường hợp đó để tìm ra trường hợp bị lây nhiễm gần.

Ba bệnh viện ở Đà Nẵng đã được làm sạch và sẽ được đánh giá về bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó cần có quy trình phân luồng bệnh nhân kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp để không lây lan dịch trong bệnh viện như thời gian qua. Thời gian mở cửa của Bệnh viện C từ ngày 7/8; hai bệnh viện còn lại sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.

Nhận định về tình hình dịch thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh”.

Đà Nẵng xét nghiệm theo nhóm hộ gia đình

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng trong vòng hơn 10 ngày qua đỏ đèn suốt ngày đêm. Với số lượng bệnh nhân mắc tăng theo từng ngày, khiến các nhân viên kỹ thuật tại đây làm việc quá tải.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết: Hiện, CDC Đà Nẵng có 13 máy xét nghiệm RT-PCR và 3 máy chiết mẫu phẩm tự động. Năng lực xét nghiệm của CDC có thể lên đến 10.000 mẫu phẩm/ngày. Tuy nhiên, CDC đang thiếu nhân lực lấy mẫu ở cơ sở, cộng đồng, cần được tiếp sức.

Hiện, CDC Đà Nẵng có 60 nhân viên (trong đó có 30 người của trung tâm, 30 người tăng cường từ các đơn vị) làm việc xuyên ngày đêm để chạy đua xét nghiệm.

Trước áp lực về nhu cầu xét nghiệm sàng lọc, CDC Đà Nẵng sau khi xin ý kiến các chuyên gia Viện Dịch tễ, đã quyết định bắt đầu thực hiện xét nghiệm theo nhóm hộ gia đình. Đây là cách làm vừa đảm bảo yêu cầu về độ chính xác, vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh gấp rút và khẩn trương như hiện nay.

Theo bác sĩ Thạnh, việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia đình cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm virus vẫn xét nghiệm độc lập.

“Trường hợp hộ gia đình có 5 người trở lại, nhân viên CDC sẽ lấy các mẫu phẩm cho vào một ống môi trường rồi đưa về xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính sẽ xét nghiệm từng trường hợp riêng lẻ. Phương pháp này ở các nước trên thế giới đã làm, giúp tiết kiệm hóa chất và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại cộng đồng”, bác sĩ Thạnh nói.

Nguyễn Thành

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuan-bi-nhan-luc-vat-chat-cho-tinh-huong-dich-lan-rong-1700573.tpo