Chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân cả nước đang tích cực thúc đẩy sản xuất để có nhiều sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Văn Lâm chăm sóc đàn lợn tại trang trại ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh Sơn Tùng)

Ông Nguyễn Văn Lâm chăm sóc đàn lợn tại trang trại ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh Sơn Tùng)

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 28 triệu con, gần bằng so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (tháng 2/2019); giá lợn hơi ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hiện ở mức ổn định, tạo động lực cho nhiều nông hộ tái đàn. Đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt gần 1 triệu tấn... Dự kiến, năm 2022 cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỷ quả trứng và hơn 1,3 triệu tấn sữa. Với nguồn cung và tình hình phát triển đàn vật nuôi hiện nay khả năng có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước.

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đang đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tổng đàn lợn của Hà Nội đạt gần 1,5 triệu con, thành phố tiếp tục chú trọng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì...; và ba vùng chăn nuôi hữu cơ, gồm: Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (chăn nuôi bò); Sóc Sơn, Chương Mỹ (chăn nuôi lợn); Quốc Oai (chăn nuôi gia cầm)... Chia sẻ với chúng tôi, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Nguyễn Văn Lâm thông tin: Với diện tích hơn 1,3ha, gia đình đã đầu tư xây dựng hai khu chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, đang duy trì và mở rộng quy mô trang trại để bảo đảm sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu của người dân.

Không chỉ Hà Nội, việc tái đàn, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi ở nhiều địa phương cũng có tín hiệu khởi sắc. Đơn cử như ở Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, có đàn lợn hơn 2,4 triệu con cùng hàng nghìn chuồng trại của doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đáp ứng việc cung cấp thịt lợn trong tỉnh và thị trường lân cận như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại Nghệ An, tổng đàn trâu, bò của tỉnh có hơn 772 nghìn con, đàn lợn hơn 935 nghìn con. Ở Đắk Lắk, tỉnh có đàn lợn hơn 860 nghìn con, đàn trâu hơn 33 nghìn con, đàn bò hơn 260 nghìn con.

Tại Gia Lai, đàn vật nuôi hiện có hơn 431 nghìn con bò, gần 503 nghìn con lợn và khoảng bốn triệu con gia cầm. Ở Kiên Giang, thời gian qua người chăn nuôi đã nỗ lực tái đàn, hiện đàn lợn của tỉnh đạt khoảng 200 nghìn con, tăng hơn 5,5% so cùng kỳ năm 2021. Tại Sóc Trăng, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh có đà phục hồi tốt, với tổng đàn lợn hơn 160 nghìn con, tăng 19,8% so cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia cho rằng, để tái đàn hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, cần tập trung thực hiện các phương án sản xuất, chuẩn bị tốt nguồn cung con giống, vật tư, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ và kiểm soát chất lượng con giống gia súc, gia cầm; nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi.

Ngành nông nghiệp tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và một số loại vật nuôi lợi thế; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dinh dưỡng, hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi; xây dựng thêm các chuỗi sản xuất tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và theo hướng hữu cơ để nâng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện thời tiết và tình hình thực tế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nâng cao vai trò của mình trong khâu chuyển giao, áp dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động sản xuất chăn nuôi. Các nông hộ nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn thích hợp.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt tối thiểu hơn 80% tổng đàn. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đàn lợn, đàn gia cầm, gia súc đang giữ được nhịp tăng trưởng tốt, cho nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

ANH QUANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuan-bi-nguon-cung-thuc-pham-cuoi-nam-va-dip-tet-nguyen-dan-post716605.html